Thứ Ba, 30/04/2024 19:04 (GMT +7)

Tăng cường tuyên truyền Luật bảo vệ người tiêu dùng tới người dân

Thứ 3, 21/11/2023 | 10:39:50 [GMT +7] A  A

VOV.VN - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần được tăng cường tuyên truyền tới mọi người dân biết, thực hiện để đòi quyền lợi cho mình khi giao dịch, mua bán phải hàng không đúng cam kết.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần được tăng cường tuyên truyền tới mọi người dân biết, thực hiện để đòi quyền lợi cho mình.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi nhiều năm qua, song số vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn gia tăng do chưa nắm rõ luật. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thông tin Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, doanh nghiệp.

Dù đã có hiệu lực 12 năm, song vẫn không ít người biết đến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một số người dân chỉ than phiền về tình trạng bị xâm phạm quyền lợi trong mua sắm hàng ngày mà không biết phải đi đâu để giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung, đa số người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng nói, ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt.

“Thống kê của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng hoặc bỏ qua vụ việc”, ông Trung cho hay.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với phần lớn người tiêu dùng, khi gặp phải tình thế mua hàng không đúng như chất lượng công bố, thì thường họ không biết làm gì ngoài việc tỏ thái độ bức xúc. Điều đó càng khiến cho nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng để trục lợi.

Để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình, Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuyến Thu/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu