Thứ Tư, 13/11/2024 08:54 (GMT +7)

Tăng cường xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội

Thứ 3, 15/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tại TP Hồ Chí Minh đang tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn nợ hoặc nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội và các đơn vị liên quan.

Nợ đọng bảo hiểm xã hội phức tạp
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2015, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn thành phố là hơn 1.622 tỷ đồng, chiếm 4,71% so với kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao. Trong đó, riêng nợ bảo hiểm xã hội là hơn 1.412 tỷ đồng với quá nửa số tiền có thời gian nợ trên 6 tháng.
Trì hoãn tăng lương sẽ phải đóng phạt
Hình ảnh minh họa
Mặc dù Bảo hiểm xã hội thành phố đã có quy chế phối hợp với Cục Thuế thành phố, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cung cấp danh sách đơn vị mới tham gia, tuy nhiên với khoảng 54.676 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tương ứng với khoảng 1.508.330 lao động, chiếm 76,7% số người tham gia bảo hiểm xã hội toàn thành phố thì công tác quản lý đối tượng, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội và thu hồi nợ gặp rất nhiều khó khăn vì số thu, số đơn vị và số lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thường xuyên biến động. Bình quân mỗi năm số lao động của thành phố tham gia bảo hiểm xã hội giảm 600.000 người (phải chốt sổ) và tăng thêm 660.000 người (phải cấp sổ mới).
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh: Việc thu hồi nợ bảo hiểm xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trong đó quá trình thụ lý và xét xử còn kéo dài, tạo thời cơ để doanh nghiệp tẩu tán tài sản hoặc di chuyển địa điểm. Một số doanh nghiệp khi bị kiện liền tìm cách chuyển sang địa bàn khác hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn, âm thầm chuyển nhượng lại doanh nghiệp cùng với số nợ. Nhiều doanh nghiệp, khi xác minh tài sản không có nguồn tài sản hoặc tài sản chủ yếu đi thuê, dẫn đến việc thu hồi số tiền nợ sau khi khởi kiện cần có thời gian dài mới đạt được kết quả nhưng cũng chỉ thu được số tiền ít ỏi, thậm chí không thể thu hồi.
Lấy ví dụ về số nợ bảo hiểm xã hội trên 140 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh hiện nay, ông Sang cho biết: Án đã xử nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay trong thi hành án đối với các doanh nghiệp Mai Linh là các tài khoản của Mai Linh khi xác minh đều rỗng (?). Còn tài sản là những chiếc xe taxi thì do tài xế hoặc đối tác đứng tên, Mai Linh chỉ “góp” thương hiệu và ăn chia nên cơ quan thi hành án dân sự khó cưỡng chế xe. Điều gây bức xúc hiện nay chính là việc hàng ngày, hàng ngàn chiếc xe mang thương hiệu Mai Linh vẫn mang về nguồn thu thường xuyên, dồi dào cho doanh nghiệp và người lao động tiếp tục bị thiệt thòi do không được hưởng bảo hiểm mỗi khi ốm đau, bệnh tật.
Khó khăn về thiếu nhân lực cũng khiến Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đang phải chịu áp lực công việc quá lớn. Với 1.337 công chức viên chức, quản lý 57.509 đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ bảo hiểm xã hội thành phố phải kiêm nhiệm nhiều việc khiến việc kiểm tra, đôn đốc và khắc phục tình trạng vi phạm của doanh nghiệp còn thiếu chủ động, công tác phát triển thêm doanh nghiệp mới thành lập cũng gặp khó khăn. Dự kiến, thành phố còn khoảng 50.000 doanh nghiệp với khoảng 300.000 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội nhưng mỗi năm chỉ phát triển thêm khoảng 8.500 doanh nghiệp với 52.000 lao động, chưa thể vận động thực hiện thêm nhiều hơn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trước tình trạng nợ đọng, chậm nộp bảo hiểm xã hội ngày càng phổ biến, bên cạnh những giải pháp đã thực hiện từ nhiều năm trước, từ 1/1/2016, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh áp dụng cách tính lãi suất doanh nghiệp chậm nộp. Khi đó, các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội phải cân nhắc vì lãi suất chậm nộp luôn cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang đây cũng chưa phải là giải pháp triệt để khi các doanh nghiệp sẽ chọn cách vay ngân hàng với lãi suất thấp để mua bảo hiểm cho công nhân, còn với doanh nghiệp cố tình trốn thì cũng đành chịu.
Do đó, đến thời điểm này, khởi kiện vẫn là “cứu cánh” có hiệu quả duy nhất đối với ngành bảo hiểm xã hội thành phố. Trong tháng 1 và 2/2016, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đã khởi kiện ra tòa 60 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội. Năm 2015 có 1.905 đơn vị đã bị Bảo hiểm xã hội thành phố kiện ra tòa với tổng số nợ quỹ bảo hiểm xã hội trên 530 tỷ đồng . Tổng số tiền thu hồi được trên 198 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,42%. “Số còn lại sẽ tiếp tục thu hồi vào năm 2016 khi đã hoàn tất quá trình xét xử và thi hành án. Khi đó, hy vọng tỷ lệ thu hồi sẽ đạt hơn 65%. Điều này cho thấy đến thời điểm này, khởi kiện vẫn là giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm”, ông Sang nhấn mạnh.
Trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội sẽ được phân loại và xử lý theo từng loại ngắn hạn và dài hạn để lập danh sách gửi Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động và Liên đoàn Lao động địa phương để gửi thư nhắc nợ, lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính. Bảo hiểm xã hội thành phố cũng tiếp tục phối hợp với tòa án lập hồ sơ khởi kiện đối với các doanh nghiệp nợ quỹ bảo hiểm xã hội.
Cùng với các giải pháp trên, ông Cao Văn Sang hy vọng những điểm mới được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2016 như giao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho ngành bảo hiểm xã hội. Cùng với đó Bộ luật Hình sự mới được Quốc hội thông qua đã quy định việc xử lý hình sự đối với nhóm tội danh như gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… sẽ là những chế tài đủ mạnh để giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội như hiện nay.
Nguyễn Cúc- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu