Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 05:07 (GMT +7)
Tăng giá điện, xăng dầu khiến CPI tháng 5 tăng
Thứ 4, 29/05/2019 | 15:08:00 [GMT +7] A A
Theo Tổng cục Thống kê, do xăng dầu và điện tăng giá mạnh cùng ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,49% so với tháng trước.
Giá điện tăng, nhu cầu sử dụng tăng đột biến khiến CPI tháng 5 bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN.
CPI của tháng 5 cũng tăng 1,5% so với tháng 12/2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tháng 5/2019 có 9 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất là 2,64%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 1,28%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,13%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; giáo dục tăng 0,05%. Có 2 nhóm hàng giảm giá là thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Nguyên nhân khiến CPI tháng 5 tăng là do kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch tăng cao, làm cho giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước. Giá xăng dầu điều chỉnh 2 đợt khiến bình quân giá xăng dầu tăng 5,93% so với tháng trước, làm tăng CPI chung 0,25%.
Đặc biệt, do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện từ tháng 3/2019 cộng thêm nhu cầu tiêu dùng điện nước tăng đột biến do nắng nóng khiến giá điện sinh hoạt tăng 6,86%, giá nước sinh hoạt tăng 1,17%. Giá gas tháng 5/2019 tăng 0,6% so với tháng 4/2019 do giá gas thế giới bình quân tháng 5/2019 công bố ở mức 527,5 USD/tấn, tăng 2,5 USD/tấn so với tháng 4/2019.
Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,66% do nhu cầu xây dựng tăng cùng với chi phí đầu vào tăng. Kể từ tháng 4/2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng giá sách giáo khoa năm học 2019 – 2020 làm cho chỉ số giá nhóm sách giáo khoa tăng 0,65%.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số lý do kiềm chế CPI tháng 5 như: Giá gạo giảm 0,5% so với tháng trước do các địa phương trên cả nước đang thu hoạch vụ lúa vụ Đông Xuân nên sản lượng lúa dồi dào. Bình quân chung cả nước giá thịt lợn tháng 5/2019 tiếp tục giảm 0,6% so với tháng 4/2019, mức giảm này thấp hơn mức giảm 3,07% của tháng 4/2019 do dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng trên 40 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên đến nay, người tiêu dùng đã yên tâm mua thịt lợn trở lại, một số địa phương chưa bị dịch, giá thịt lợn bắt đầu tăng.
Giá dịch vụ y tế giảm 0,1% do thay đổi giá dịch vụ y tế đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Thanh Hóa, Hà Nội, Hưng Yên, Sơn La, Yên Bái và Đồng Tháp được quy định trong Thông tư số 37/2018/TT-BYT về quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Trong tháng 5, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do giá xăng dầu, điện tăng. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ ở mức 1,85%, điều này phản ánh chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức
Ý kiến ()