Thứ Năm, 19/09/2024 08:38 (GMT +7)

Tạo động lực để nhà văn viết cho thiếu nhi

Thứ 2, 31/08/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, văn học dành cho thiếu nhi dường như không được quan tâm. Tác phẩm văn học trong nước dành cho thiếu nhi ngày càng ít đi, nhà văn sáng tác cho thiếu nhi không nhiều. Nếu kéo dài tình trạng này, văn học thiếu nhi sẽ lụi tàn, trẻ em không còn được tiếp cận những tác phẩm văn học hay phù hợp với văn hóa Việt Nam để thưởng thức và phát triển tâm hồn, trí tuệ.

Thực tế, sách dành cho thiếu nhi không thiếu, mà ngược lại mảng sách dành cho lứa tuổi này rất đa dạng và phong phú về thể loại, nhưng đa phần lại là sách ngoại văn. Dạo qua các nhà sách tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dễ dàng nhận thấy sách và truyện dịch nước ngoài tràn ngập các kệ sách. Đó là điều tất yếu vì theo thống kê của một số nhà xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, sách văn học thiếu nhi trong nước xuất bản mỗi năm chỉ trên dưới 20% số lượng sách văn học thiếu nhi nói chung.

Ông Phạm Sỹ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ, nhận định: Sở dĩ sách và truyện dịch ở Việt Nam nhiều, vì các tác giả, nhà xuất bản và xã hội chưa quan tâm đến văn học thiếu nhi. Tác giả viết cho thiếu nhi ngày càng ít đi, trong Hội Nhà văn thành phố chỉ có khoảng 10 tác giả còn viết sách cho thiếu nhi. So với việc đầu tư sáng tác cho thiếu nhi, dịch sách dễ hơn, nhiều tác giả văn học không còn mặn mà với công việc sáng tác.

 

Ảnh minh họa – TTXVN


Bên cạnh đó, một phần là do nền giáo dục của chúng ta dường như không quan tâm đến việc đọc sách cho thiếu nhi, chương trình học chủ yếu buộc các em phải học trong sách giáo khoa mà chưa khuyến khích, hướng dẫn các em tìm đọc các tác phẩm văn học khác liên quan đến bài học để mở rộng kiến thức. Sức mua kém, các nhà xuất bản cũng không mặn mà lắm với việc xuất bản sách văn học thiếu nhi trong nước. Những nguyên nhân này đã làm cho văn học thiếu nhi đang khan hiếm thật sự.

Theo ông Phạm Sỹ Sáu, bên cạnh những nỗ lực chủ quan của các nhà văn, Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư, tạo động lực cho các nhà văn đam mê sáng tác văn học cho thiếu nhi bằng các giải thưởng văn học. Khoảng 15 năm trở lại đây không có các giải thưởng dành riêng cho văn học thiếu nhi. Điều này cũng là một trong những yếu tố dẫn đến sự hạn chế sáng tác cho thiếu nhi, nếu có những giải thưởng chắc chắn sẽ có những “cú hích” khuyến khích các tác giả viết cho thiếu nhi.

Lan Phương (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu