Thứ Bảy, 04/01/2025 15:01 (GMT +7)

Thi đua phải gắn với nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại

Thứ 4, 28/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Đại hội thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Dự Đại hội có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và 500 chiến sỹ thi đua cơ sở của ngành giai đoạn 2011-2015.

Trình bày Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, công tác thi đua khen thưởng luôn là nội dung quan trọng của công tác xây dựng ngành, là biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy thi đua lành mạnh giữa các đơn vị và cá nhân ở trong và ngoài nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Kế hoạch phát triển kinhh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Trong 5 năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp, tác động nhiều chiều đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước. Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI, Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác đối ngoại đồng bộ, toàn diện, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và đã thu được nhiều kết quả mang tính đột phá. Tập trung chủ yếu trong giai đoạn này, Việt Nam đã thiết lập được hệ thống các quan hệ “đối tác chiến lược”, “đối tác chiến lược trên một số lĩnh vực”, “đối tác toàn diện” với 26 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, Bộ Ngoại giao đã làm tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong chỉ đạo vĩ mô về công tác đối ngoại của các Bộ, ngành, địa phương. Góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ đối ngoại hàng đầu Đảng và Nhà nước giao phó là giữ vững và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác đối ngoại vừa góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, vừa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (đứng giữa) vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2010-2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Từ năm 2011-2014, Bộ Ngoại giao đã bình xét và tôn vinh 4 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 84 Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, 1.113 Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. 75 đơn vị được tặng Cờ Thi đua của Bộ Ngoại giao; trong đó có 33 đơn vị được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ. Bộ Ngoại giao đã trình tặng 502 Huân, Huy chương kháng chiến các hạng, 246 Bằng khen Thủ tướng và 122 Bằng khen Bộ trưởng Ngoại giao cho kiều bào. Hiện nay Bộ Ngoại giao tiếp tục xét khen thưởng đợt 3 cho khoảng gần 700 trường hợp. Khen thưởng kiều bào trong công tác cộng đồng nói chung có: 125 bằng khen Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; 227 Giấy khen của Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành và các mục tiêu đất nước, công tác thi đua-khen thưởng giai đoạn 2016-2020, Bộ Ngoại giao xác định, cần tập trung bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua để tạo không khí thi đua sôi nổi nhằm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao như: giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Nâng cao vị thế của đất nước và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Bộ Ngoại giao tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác thi đua-khen thưởng theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua-Khen thưởng Trung ương nêu rõ: Thi đua yêu nước là truyền thống tốt đẹp của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong các giai đoạn của cách mạng Việt Nam , Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác thi đua khen thưởng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong công tác đối ngoại luôn được Lãnh đạo Bộ Ngoại giao quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, toàn diện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả mà điển hình là các phong trào thi đua “Đoàn kết, dân chủ, trí tuệ”, “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để triển khai ngoại giao toàn diện và hội nhập quốc tế”, “Ngoại giao Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, “Thi đua đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng và triển khai chính sách”, “ Thi đua vì Biển đảo quê hương”, “Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thi đua lập thành tích kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam và nhiều phong trào thi đua cụ thể khác.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với tinh thần trách nhiệm cao, bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo, tận tụy vì sự nghiệp đối ngoại của đất nước, đã tiếp bước các thế hệ đi trước làm vẻ vang truyền thống 70 năm của ngành Ngoại giao Việt Nam 1945-2015, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn môi trường hòa bình; tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước; nâng cao vai trò, uy tín của nước ta trên trường quốc tế và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thời gian tới, thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đều lớn, đan xen nhau và chuyển hóa lẫn nhau. Nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đặt ra là rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế; việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu, với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á-Âu cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.

Từ sự phân tích như trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, nỗ lực phấn đấu khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa – độc lập, hòa bình, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; dân chủ, tự do, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh; hội nhập và phát triển, tiến cùng thời đại, sánh vai với bạn bè trên thế giới – như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của nước ta đã đề ra.

“Trong tình hình mới, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao là rất nặng nề, đòi hỏi các đồng chí phải luôn kiên định mục tiêu và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nỗ lực hành động quyết liệt và lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần thiết thực với hiệu quả ngày càng cao để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ lớn, trong đó nêu rõ, công tác thi đua phải gắn chặt với nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị đối ngoại được giao, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi đây là tiêu chí cao nhất để đánh giá cán bộ cũng như đánh giá công tác thi đua, khen thưởng.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phải chủ động, tích cực góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi, đồng thời gắn chặt với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị – ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; đoàn kết xây dựng cộng đồng ASEAN và làm tốt trách nhiệm là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, công tác thi đua phải gắn chặt với thực hiện tốt công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện và gắn kết chặt chẽ phong trào thi đua với Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, mỗi cán bộ ngoại giao phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu thực sự, thấm nhuần tư tưởng thi đua ái quốc, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào công tác của mình. Trong tiến trình đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thi đua yêu nước trong ngành Ngoại giao phải rất sáng tạo để “thi đua” với bạn bè quốc tế, cùng với các nước đóng góp có trách nhiệm vào gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác, phát triển trong khu vực và quốc tế. Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, lãnh đạo, ủng hộ và sẽ tiếp tục tạo mọi thuận lợi để Bộ Ngoại giao, hoàn thành tốt trọng trách được giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, sau Đại hội, với khí thế mới, tinh thần thi đua mới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực phấn đấu vươn lên, lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang, tốt đẹp của ngành Ngoại giao và sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao); Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng 3 cá nhân; Cờ thi đua của Chính phủ tặng 6 tập thể dẫn đầu trong phong trào thi đua.

Hưởng ứng phong trào thi đua toàn quốc giai đoạn 2016-2020, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng, Bộ Ngoại giao đã phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016- 2020 với chủ đề” Giữ vững môi trường hòa bình, hội nhập quốc tế hiệu quả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu