Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 02:41 (GMT +7)
Thị trường Tết Trung thu: Đồ chơi truyền thống lên ngôi
Thứ 3, 03/10/2017 | 10:02:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Các loại đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã và giá cả, trong đó đồ chơi truyền thống, hàng Việt rất được ưa chuộng.
Chỉ còn 2 ngày nữa là đến rằm Trung thu, thị trường đồ chơi cho trẻ em đang bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất. Lo ngại đồ chơi độc hại không rõ nguồn gốc, các bậc phụ huynh ưu tiên lựa chọn cho con những món đồ chơi dân gian có tính giáo dục cao. Các loại đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã và giá cả, trong đó đồ chơi truyền thống, hàng Việt rất được ưa chuộng.
Tại thị trường Hà Nội, những ngày này ở các tuyến phố bán đồ chơi trẻ em như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… tấp nập người mua bán. Nắm bắt được tâm lý khách hàng năm nay chuộng đồ chơi truyền thống, các nhà sản xuất trong nước đã quan tâm cải tiến mẫu mã nhiều hơn.
Mặt hàng đồ chơi truyền thống như mặt nạ, đèn lồng làm từ chất liệu giấy, nhựa có nhiều mẫu mã với các loại hình nhân vật cho khách hàng lựa chọn như trống cơm, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ ông địa, mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở… Các mặt hàng có giá từ 20.000 – 100.000 đồng/chiếc. Mặt nạ làm từ giấy bồi có giá 20.000 – 50.000 đồng/chiếc. Đèn kéo quân nay đã trở lại thị trường với mức giá từ 150.000-300.000 đồng/chiếc.
Năm nay, nhà sản xuất còn đưa ra thị trường loại đèn lồng sáng tạo, với giá 80.000 đồng/chiếc, bố mẹ cùng với bé có thể tự lắp ghép, hoàn thiện. Những cửa hàng quần áo trẻ em mô phỏng trang phục của các nhân vật cổ tích cũng rất đông khách mua sắm.
Anh Nguyễn Văn Bình, chủ một cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, cứ đến dịp Tết Trung thu, sức mua các mặt hàng đồ chơi đều tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường.
Ngoài các sản phẩm truyền thống làm từ giấy, đối với loại đồ chơi làm bằng nhựa, như đèn lồng có nhạc và đèn nhấp nháy màu sắc bắt mắt giá bán đắt hơn, từ 45.000 – 60.000 đồng/sản phẩm. Còn với các mặt hàng truyền thống, chúng tôi đã nhập với số lượng nhiều hơn mọi năm. Đặc biệt là các loại lồng đèn, mặt nạ… vì sức mua rất lớn.
Mẫu mã đồ chơi Việt Nam khá phong phú, giá bán hợp lý, nên được các đơn vị mua với số lượng lớn để tổ chức đón trung thu cho con, em hoặc làm từ thiện. Những món đồ chơi đơn giản, giá rẻ như chong chóng tre, đèn ông sao… tiêu thụ ổn định hơn cả, sức mua còn mạnh hơn những đồ chơi gắn đèn, gắn nhạc. Nhiều nhóm bạn trẻ thích thú với những chiếc bờm tóc hình tai mèo, hay những chiếc mặt nạ truyền thống in hình Chí Phèo, Thị Nở.
Phạm Phương Nga, học sinh lớp 11 trường THPT Việt Đức cho biết, các mặt hàng đồ chơi Trung thu năm nay rất đẹp, kiểu dáng bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ. “Thị trường năm nay có nhiều đồ chơi Trung thu truyền thống của người Việt, giúp các bạn nhỏ thực sự có được cảm nhận của Tết trung thu truyền thống, không như những năm trước chủ yếu đồ chơi Trung thu là hàng Trung Quốc, thậm chí nhiều đồ chơi còn mang tính bạo lực, không phù hợp với lứa tuổi”, bạn Nga nói.
Hầu hết các loại đồ chơi Trung thu năm nay đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, phù hợp với sở thích của trẻ nhỏ. Nhiều bậc phụ huynh chuộng đồ chơi truyền thống, ưu tiên hàng nội địa hơn so với các loại đồ chơi nhập ngoại.
Chị Trần Minh Phương, ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ, bản thân chị rất có cảm tình với các loại đồ chơi truyền thống. “Con trai tôi năm nay 4 tuổi, dù ở nhà đã có rất nhiều đồ chơi điện tử như xe điện, tàu điện… nhưng nhân dịp Trung thu, gia đình vẫn mua 1 chiếc trống cơm và 1 chiếc đầu lân loại nhỏ để có thêm một món đồ chơi thú vị, giúp cháu tiếp cận gần hơn với các sản phẩm truyền thống”, chị Phương cho biết.
Đồ chơi là món đồ không thể thiếu trong dịp Trung thu. Năm nay, đồ chơi Trung thu Việt với nhiều hàng đẹp, mẫu mã phong phú đang chiếm ưu thế và được lòng các bậc phụ huynh bởi mang tính giáo dục và phù hợp với những giá trị văn hóa Việt.
Quan trọng hơn, khi ngày càng có nhiều người dân lựa chọn đồ chơi truyền thống và quay lưng lại với hàng Trung Quốc, cũng là tín hiệu đáng mừng cho thị trường đồ chơi trong nước./.
Bảo Ngọc/VOV-Trung tâm Tin
Ý kiến ()