Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ khiến Nga mất khoảng 9% GDP trong trung hạn.
Còn hãng xếp hạng tín nhiệm Standard &Poor’s (Mỹ) mới đây cho hay triển vọng kinh tế Nga vẫn yếu và dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 0,4%/năm trong giai đoạn 2015-2018.
Theo các nhà kinh tế, đồng ruble giảm giá mạnh trong thời gian qua đã gây không ít khó khăn cho nền kinh tế Nga.
Với khoảng 30-40% rổ hàng hóa tiêu dùng ở Nga được cho là hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu nên khi đồng ruble mất giá, giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là thực phẩm chắc chắn sẽ tăng mạnh.
Vì vậy, khi đồng ruble mất giá thì đối tượng bị thiệt hại trước tiên và nhiều nhất sẽ là người dân có thu nhập thấp và cố định khi những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu hàng ngày tăng giá mạnh.
Để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ Nga buộc phải can thiệp bán USD ra từ các quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời nâng mạnh lãi suất tiền gửi đồng ruble, để ổn định lại tỷ giá và tâm lý người dân
Động thái trên cho thấy Chính phủ Nga kỳ vọng sẽ thu được những kết quả tích cực của việc đồng ruble mất giá hồi năm 1998, đã thực sự kích thích tăng trưởng sản xuất, dòng ngoại tệ đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào nền kinh tế, giúp tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu nhờ nền kinh tế được bảo đảm bởi lợi nhuận cao với rủi ro tương đối thấp.
Lợi ích không nhỏ
Dù vậy, đồng ruble giảm giá vẫn mang lại những lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế Nga.
Theo tính toán của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tháng 3, giá dầu cứ giảm 1 USD/thùng thì kim ngạch xuất khẩu của Nga bị giảm sút 3 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga cũng hưởng lợi nhờ giá thành khai thác và xuất khẩu dầu của họ được tính bằng đồng ruble trong khi giá xuất khẩu được tính bằng USD.
Khi mức độ phá giá đồng ruble lớn hơn mức độ sụt giảm giá dầu thô xuất khẩu thì nhà sản xuất và xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn thu về được nhiều hơn ruble so với giai đoạn ổn định.
Ý kiến ()