Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 09/01/2025 15:15 (GMT +7)
Thủ Thừa - Tăng cường tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Thứ 5, 04/08/2022 | 15:09:47 [GMT +7] A A
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, huyện Thủ Thừa đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất với mong muốn người dân cùng nâng cao ý thức, chung tay phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ Thủ Thừa tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tích cực dọn dẹp vệ sinh môi trường, tham gia phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy góp phần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
“Ban thường vụ huyện đoàn Thủ Thừa tổ chức truyền thông lưu động trên địa bàn 12 xã, thị trấn nhằm tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt huyện chọn xã Nhị Thành làm điểm để tổ chức tuyên truyền, vãng gia tại hộ gia đình, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết” Anh Mai Hữu Phước – Bí thư huyện đoàn Thủ Thừa nói.
Tính đến ngày 31/7/2022, trên địa bàn huyện Thủ Thừa phát hiện 126 ổ dịch, tăng 121 ổ so với cùng kỳ 2021, ghi nhận 335 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 307 ca so với cùng kì năm 2021. Tập trung nhiều ở các xã Nhị Thành, Bình Thạnh, Mỹ Lạc và thị trấn Thủ Thừa.
“Nguyên nhân sốt xuất huyết tăng cao do mật độ muỗi tăng cao, một phần cũng do người dân chưa xử lý tốt những vật chứa nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết cần lưu tâm nhất từ ngày 1 đến ngày 3 (điều trị tại nhà). Từ ngày thứ 4 trở đi có những dấu hiệu nặng như đau bụng, tay chân lạnh, ăn uống kém, những dấu hiệu xuất huyết thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám không để tử vong do sốt xuất huyết. Khuyến cáo người dân nên diệt lăng quăng tại cộng đồng và phát hiện sớm những ca bệnh để được điều trị kịp thời” Bác sĩ Phạm Văn Luân – Giám đốc TTYT huyện Thủ Thừa cho biết.
Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chính vì thế biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của ngành y tế, các cấp chính quyền thì người dân cần có những hiểu biết cụ thể về sự nguy hiểm của dịch bệnh sốt xuất huyết, nâng cao hơn nữa ý thức cũng như chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh góp phần kéo giảm, không làm lây lan dịch trên địa bàn huyện.
Mộng Đào – Trung Hiếu
Ý kiến ()