Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 06:37 (GMT +7)
Thủ tướng chỉ đạo gỡ nút thắt để phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Thứ 6, 17/02/2017 | 09:31:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Thủ tướng: Chính phủ sẽ ban hành Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với KCNC Hòa Lạc, nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của KCNC này.
Sáng 16/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ đã làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về giải quyết các bất cập của Khu công nghệ cao này. Cùng dự còn có đại diện của một số nhà đầu tư vào Khu công nghệ.
Sau 19 năm hoạt động, hiện Khu công nghệ cao vẫn chủ yếu trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Nút thắt chính là do khâu giải phóng mặt bằng quá chậm.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đươc thành lập từ năm 1998, tại địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Sau 2 lần điều chỉnh quy hoạch, hiện Khu công nghệ có quy mô gần 1.600ha. Mục tiêu của khu công nghệ là trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh; là nơi tập trung, liên kết hoạt động đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao…
Dự kiến tổng đầu tư cho hạ tầng khu này là 18.000 tỷ đồng, riêng chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng là 6.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sau 19 năm, Khu công nghệ cao này chủ yếu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Toàn khu có 78 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự chậm trễ này là do giải phóng mặt bằng quá chậm bởi thiếu vốn, đến nay mới giải phóng được 84% mặt bằng. Cùng với đó là khó khăn về vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật; cơ chế thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao còn thiếu tính cạnh tranh.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cùng với đó là phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như nhà ở, bệnh viện… Đại diện FPT và VNPT đề nghị Thành phố Hà Nội sớm triển khai các tuyến xe bus nhanh từ trung tâm thành phố lên khu công nghệ cao, vì hiện như FPT phải tự bỏ ra 30 tỉ đồng đầu tư xe bus để đưa đón công nhân, sinh viên.
Báo cáo Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, thành phố đã có phương án phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng nhu cầu vốn cho công tác này còn cần tới khoảng 1.900 tỉ đồng. Hà Nội cũng đang tăng cường các tuyến xe bus từ trung tâm thành phố đến Khu công nghệ cao Hòa Lạc và dự kiến sẽ đầu tư các tuyến xe bus nhanh, đầu tư đường sắt đô thị. Hà Nội cũng đang nghiên cứu dự án khu đô thị khoảng gần 3.000 ha khu vực Hòa Lạc để kết nối với Khu công nghệ cao này và Đại học Quốc gia.
Đại diện các bộ cho rằng, nút thắt của Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện nay là tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, do đó ngoài vốn ngân sách, thành phố Hà Nội cần chủ động ứng vốn, góp vốn để xử lý dứt điểm công tác này. Bên cạnh đó cần có kế hoạch quảng bá thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, các chuyên gia và nhà khoa học về làm việc tại Khu công nghệ cao. Trong hoạt động cần quản lý chặt chẽ về môi trường, vì đi liền với công nghệ cao là chất thải nguy hại.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã hình thành nên những yếu tố của một khu công nghệ cao và đã có những đối tác quan trọng đầu tư. Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc giữ vững định hướng của một khu công nghệ cao đặt ra từ đầu và cho rằng, nếu được đầu tư đúng tiến độ, Khu công nghệ cao Hòa Lạc là yếu tố quan trọng để góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế quốc gia dựa trên đổi mới và sáng tạo; là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng đã chỉ ra những bất cập mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần tháo gỡ để phát triển trong thời gian tới. Đó là công tác giải phóng mặt bằng quá chậm; số lượng dự án công nghệ cao còn ít trong khi giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách, đóng góp cho ngành khoa học Việt Nam chưa rõ nét.
Trước thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng cho rằng sứ mệnh và chiến lược của Khu công nghệ cao Hòa Lạc chưa rõ. Khi thế giới đã có 800 khu công nghệ cao thì cần xác định xem Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang đứng ở đâu và đặt mục tiêu phấn đấu rõ hơn.
Không chỉ hạ tầng giao thông, Thủ tướng cho rằng, hạ tầng xã hội tại khu vực có Khu công nghệ cao Hòa Lạc còn thiếu, cả về nhà ở, trường học, bệnh viện… Do đó, Thủ tướng lưu ý Hà Nội cùng với Trung ương khắc phục thực tế này.
Tại hội nghị, các bộ ngành cũng đã giải đáp các ý kiến của nhà đầu tư về đất đai, thuế và một số chính sách khác, nhưng Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành cần tháo gỡ một cách chi tiết hơn.
Nêu thực trạng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc qua câu nói mang tính hình ảnh là “hai mươi tuổi vẫn còn uống sữa”, Thủ tướng đã chỉ đạo các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động của Khu công nghệ cao này trong thời gian tới. Trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng thương hiệu cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc để thu hút đầu tư.
“Cán bộ lãnh đạo và quản lý Khu công nghệ cao phải thay đổi cách nghĩ, cách làm tốt hơn. Ngoài việc đầu tư hạ tầng chuẩn mực, cần sàng lọc, lựa chọn và thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có hàm lượng tri thức cao, để mỗi sản phẩm đi ra từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải là những sản phẩm chất lượng cao, được sự thừa nhận của người sử dụng ở các nước tiên tiến; làm sao để các doanh nghiệp tự hào được đặt nhà máy, dự án tại Khu công nghệ cao này. Nói cách khác cần tạo dựng thương hiệu của Khu công nghệ”, Thủ tướng nêu rõ.
Ngoài việc ươm nhân tài, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cần nghiên cứu đề xuất cơ chế để thu hút các nhà khoa học Việt Nam cống hiến trí tuệ, ý tưởng khoa học, giải pháp kỹ thuật để thử nghiệm sản xuất; có chính sách thỏa đáng, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm, môi trường nghiên cứu thông thoáng để từ đó có sản phẩm trí tuệ của người Việt. Trong đó cần có cơ chế để nhà đầu tư, nhà khoa học được mua bán, quyền sở hữu nhà lâu dài tại khu công nghệ cao.
Các bộ, ngành liên quan cần coi trọng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc là dự án trọng điểm và cần ưu tiên nguồn vốn, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ và động viên, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học tìm kiếm phát hiện đột phá về khoa học.
Thủ tướng nêu rõ, 6 tháng một lần, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng sẽ đến nghe báo cáo lại một lần để tháo gỡ cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải là một hình mẫu của một Việt Nam thu nhỏ trong tương lai, trong đó các thực thể kinh tế hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ cao, đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành quả của khoa học và công nghệ, lấy sáng tạo làm động lực phát triển.
Đối với vấn đề cụ thể trước mắt là giải phóng mặt bằng, Thủ tướng chỉ đạo: “Thành phố Hà Nội cùng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phải giải phóng mặt bằng xong trong năm 2017. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bổ sung đủ vốn để giải phóng mặt bằng và tiến tới xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện Khu Công nghệ cao Hòa Lạc”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao, “xắn tay” tay áo giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Hà Nội tính toán nguồn, ứng trước vốn để xử lý dứt điểm những việc này; xây dựng hệ thống bên ngoài khu công nghệ cao, kể cả hạ tầng điện, nước, hạ tầng đường sắt, xe bus; phối hợp xây dựng Khu công nghệ cao trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển lâu dài.
Thủ tướng cũng đồng ý giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp cùng Hà Nội và các cơ quan chức năng tổ chức xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào công nghệ cao thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị định mới về cơ chế chính sách đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ là một nền tảng quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc./.
Vũ Dũng/VOV
Ý kiến ()