Theo báo cáo của Tập đoàn, năm 2016, Tập đoàn đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm gần 11%. Tập đoàn đã chủ động phối hợp với ngành thủy lợi, cấp hơn 3 tỷ m3 nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở đồng bằng Bắc Bộ. Đến cuối năm 2016 có 73 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất đặt gần 18.000MW, chiếm 46% tổng công suất toàn hệ thống.
Về kết quả sản xuất kinh doanh, doanh thu bán điện của Tập đoàn ước đạt gần 265 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm 2015. Công ty mẹ Tập đoàn và 9 Tổng công ty đạt lợi nhuận cao hơn kế hoạch đề ra. Khách hàng sử dụng điện đánh giá điểm bình quân về độ hài lòng đối với Tập đoàn là 7,69 trên thang 10 điểm, tăng 0,42 điểm so với năm 2015.
Tuy vậy, Tập đoàn có tồn tại là chưa khắc phục được tình trạng quá tải cục bộ trên lưới điện; số tai nạn lao động đã giảm 46% so với năm 2015 nhưng vẫn còn ở mức cao. Các Tổng công ty điện lực đều có tai nạn lao động chết người. Bên cạnh đó, tiến độ một số dự án nguồn điện bị chậm so với kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Điện lực năm thứ 3 liên tiếp không để xảy ra thiếu điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân. Năm 2016, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 5 tổ máy với tổng công suất trên 2.500 MW và sớm đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện Lai Châu trước thời hạn 1 năm, giúp tiết kiệm 5.000 tỉ đồng. Dù mưa lũ phức tạp thời gian qua nhưng Tập đoàn đã nhanh chóng khắc phục và sớm cấp điện sau mưa lũ.
Tập đoàn đã thực hiện tốt việc tái cơ cấu, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận. Tổn thất điện năng đã giảm còn 7,7%, tương đương các nước trong khu vực. Chỉ tiêu cung cấp điện của Tập đoàn được cải thiện với tổng thời gian mất điện khách hàng giảm bình quân hơn 25%. Với việc cấp điện cấp trung áp chỉ còn gần 7 ngày so với 10 ngày năm 2015, Tập đoàn đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam trong năm qua.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện cần thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại đặt ra, trong đó có việc dù đã có dự phòng điện nhưng chưa đồng đều và còn quá thấp, nhất là khu vực phía Nam. Thủ tướng nhấn mạnh, dự báo 2017-2019, nguy cơ không đáp ứng được đủ điện cho miền Nam là hiện hữu, đây là bài toán mà ngành điện cần nghiên cứu để có giải pháp.
Cùng với đó, ngành điện cần lưu ý mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%, cao hơn năm 2016, nên nhu cầu điện sẽ lớn hơn. Trong trung và dài hạn, nguy cơ thiếu điện là có, nhất là đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có trên 1 triệu doanh nghiệp, thì nhu cầu điện rất lớn. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn phải tập trung nhiệm vụ đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế.
Thủ tướng chỉ đạo: “EVN phải tiếp tục là tập đoàn Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện quốc gia, làm cho đúng tiến độ dự án, triển khai một số dự án mới, phát triển một số dự án năng lượng tái tạo. Tập đoàn đề xuất có cơ chế cho mọi thành phần đầu tư vào sản xuất điện, đặc biệt có cơ chế tài chính đầu tư nguồn lưới điện để tạo điều kiện cho EVN thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này. Chúng ta đã thành lập một hội đồng quốc gia phát triển điện, cơ chế này các đồng chí cần bám vào triển khai cho tốt, đừng để nước đến chân mới nhảy”.
Một nhiệm vụ khác Thủ tướng giao cho Tập đoàn là thực hiện tốt tái cơ cấu, hoàn thành cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, trong đó hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty phát điện 3 và hai Tổng công ty phát điện còn lại trong năm 2018; đổi mới sắp xếp khối phát điện, phân phối và bán lẻ điện; vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo đưa thị trường bán buôn điện cạnh tranh đi vào hoạt động hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo: “Cạnh tranh là một đặc tính của kinh tế thị trường và chúng ta phải đi theo hướng này với một lộ trình. Tôi cũng nói lại là EVN chỉ giữ lại 6 nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, và các nhà máy liên quan đến nhà máy đa mục tiêu khác, hệ thống lưới truyền tải và phân phối, còn lại cổ phần hóa khâu bán lẻ và dịch vụ. Đi liền với đó là tăng cường công tác quản trị, sắp xếp bộ máy quản lý vận hành hợp lý để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả”.
Thủ tướng cũng lưu ý Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ số tiếp cận điện năng so với các nước ASEAN đứng thứ 6, thuộc nhóm thấp của ASEAN. Do đó, Tập đoàn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện chỉ tiêu này, đặt ra câu hỏi vì sao vẫn đứng thứ 6 trong ASEAN. Nhất là khi Việt Nam đang phấn đấu thuộc nhóm ASEAN 4.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành điện cải thiện năng suất lao động; một số công trình xây dựng cơ bản có thất thoát, một số dự án làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Thủ tướng cũng lưu ý Tập đoàn, nhiệt điện vẫn là quan trọng, nhưng phát triển các nhà máy nhiệt điện phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường./.
VOV-VN
Ý kiến ()