Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 06:52 (GMT +7)
Thủ tướng: Kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột
Thứ 2, 11/10/2021 | 12:23:00 [GMT +7] A A
Ngày 10/10, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 264/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 9/10/.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến toàn quốc phòng, chống dịch COVID-19 sáng 9/10/2021.
Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thông báo nêu rõ, sáng ngày 9/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên các Tiểu ban và đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh có Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại điểm cầu các địa phương có các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của 63 tỉnh, thành phố.
Sau khi nghe Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ý kiến của Lãnh đạo các địa phương, phát biểu của các Thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu tham dự cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kết luận như sau:
1. Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tại các tỉnh, thành phố trong 2 tuần vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; sự cống hiến, hy sinh của lực lượng tuyến đầu và sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
2. Trên phạm vi cả nước tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội cơ bản được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định. Những kết quả đạt được do:
Kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch dựa vào 3 trụ cột là giãn cách xã hội, cách ly (hẹp nhất và chặt nhất có thể), xét nghiệm (thần tốc nhưng an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế) và phân loại chăm sóc, điều trị hợp lý (từ xa, từ sớm, ngay từ cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong).
Rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong quá trình chống dịch lần này.
Tiếp tục huy động được sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, sự đồng tình và tham gia tích cực của Nhân dân.
3. Tuy nhiên, vẫn tồn tại các khó khăn, chưa dự báo hết tình huống trong công tác phòng, chống dịch, như:
Chưa tổ chức và kiểm soát tốt việc di chuyển của người dân từ các địa phương này đến địa phương khác, nhất là ở những địa bàn có dịch về quê.
Giao thông đi lại, lưu thông hàng hóa ở một số địa phương còn cát cứ, xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ, nhất là việc lập ra các chốt trạm ra vào; các địa phương có lúc, có nơi còn ban hành các văn bản riêng không đúng theo quy định chung.
Việc thống nhất một ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch còn chậm, chưa hiệu quả, còn phiền hà cho nhân dân.
Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân vẫn còn có nơi, có lúc chưa tổ chức tốt, còn bỏ sót, lọt người cần được hỗ trợ.
Nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng việc bảo đảm các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch chưa chặt chẽ, hiệu quả.
4. Thời gian tới, cần đổi mới tư duy và biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình, nhất là trong những tuần tới cần tập trung triển khai một số việc trọng tâm sau:
Bộ Y tế chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ tích cực tham mưu để ban hành ngay quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Các cấp, các ngành, địa phương lưu ý nếu ban hành các văn bản để cụ thể hóa thực hiện thì phải bám sát theo đúng và dứt khoát không trái với các quy định của Trung ương; tổ chức thực hiện phải thống nhất trên phạm vi toàn quốc, chấm dứt tình trạng cát cứ, cục bộ mỗi nơi thực hiện một kiểu theo quy định riêng; kịp thời phản ánh lên cấp trên trực tiếp nếu phát hiện bất cập trên thực tế và linh hoạt theo tình huống cụ thể; các bộ, ngành chức năng kiểm tra, rà soát và tháo gỡ ngay.
Các địa phương phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức đưa đón, quản lý người dân về quê, bảo đảm an sinh, an ninh, an toàn trật tự xã hội và an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Xác định vắc-xin là yếu tố cốt lõi trong phòng, chống dịch để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn hiện nay, vì vậy phải tăng cường hoạt động Tổ ngoại giao vắc-xin; đôn đốc việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết và xem xét kỹ lưỡng, khoa học việc nhập khẩu tiếp theo, tính toán cho cả tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em và kế hoạch cho năm 2022 ngay từ bây giờ; thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất trong nước, bảo đảm an toàn, khách quan, trung thực, khoa học; đẩy mạnh hơn nữa tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả.
Có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó quán triệt quan điểm sản xuất phải an toàn, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong sản xuất an toàn, phát huy tính chủ động, tự chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân với cộng đồng, xã hội, với đất nước.
Thống nhất trên toàn quốc về lưu thông và giao thông vận tải (đường thủy, đường bộ, hàng không), có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ; kiên quyết không để ban hành các “giấy phép con”, không cát cứ, chia cắt; triển khai thận trọng, an toàn, thực hiện thí điểm theo tuần để điều chỉnh phù hợp và phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tiếp tục triển khai tích cực hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, không để sót, lọt đối tượng cần hỗ trợ; bảo đảm an ninh, an toàn trật tự xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác truyền thông theo hướng chủ động, có kế hoạch cụ thể, phản ánh đúng tình hình, với tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá.
Tiếp tục khẩn trương hoàn thiện ứng dụng PC-COVID để sớm thống nhất sử dụng tạo tiện lợi và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin của người dân.
5. Bộ Y tế: Tiếp tục hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm chủng an toàn, khoa học, hiệu quả. Xây dựng báo cáo sơ kết công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong đợt dịch lần thứ 4.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để khẩn trương tích hợp, thống nhất cơ sở dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm một ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
7. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế trao đổi, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức điều chuyển lực lượng chi viện, bảo đảm bám sát diễn biến dịch bệnh, có lộ trình cụ thể.
8. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức triển khai có lộ trình về hộ chiếu vắc xin.
9. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương để có phương án tổ chức dạy và học an toàn, cho học sinh đi học trở lại, nhất là ở những nơi xa xôi, miền núi, hải đảo…
10. Các Tiểu ban thuộc Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi, bám sát diễn biến dịch bệnh; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để phục hồi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trường hợp vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên để kịp thời xử lý, giải quyết.
https://baotintuc.vn/thoi-su/thu-tuong-kien-tri-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-dua-vao-3-tru-cot-20211011060436347.htm
Ý kiến ()