Chiều nay (28/2), tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Khánh Hòa về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội.
Với lợi thế là tỉnh ven biển, có vịnh Nha Trang đã được công nhận là thành viên của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới từ năm 2003, Khánh Hòa trở thành một trong 10 trung tâm du lịch-dịch vụ lớn cả nước. Năm ngoái, với hơn 4,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 1,1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch của tỉnh đạt gần 13.000 tỉ đồng.
Khánh Hòa cũng là tỉnh có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh, là cửa ngõ thông ra biển Đông.
Năm ngoái, Khánh Hòa có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trên 9,3%, xuất khẩu hàng hóa trên 1,2 tỉ USD; thu ngân sách đạt trên 18.000 tỉ đồng, tăng 30% so với dự toán. Tỉnh có tỷ lệ lao động được đào tạo khá cao với trên 65%; tỷ lệ hộ nghèo là trên 7,5%; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thuê tư vấn để xây dựng khung thể chế và quy hoạch tổng thể Đề án Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong tương tự như đã hỗ trợ cho Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá Khánh Hòa là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế, như sân bay, đường bộ, tiềm năng phát triển du lịch, có nguồn nhân lực được đào tạo… Tỉnh đã có sự ổn định và phát triển tốt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, xác định rõ hướng đi công nghiệp dịch vụ với tỷ lệ trên 90%; 100% các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã được xử lý dứt điểm; an ninh trật tự được đảm bảo, thuận lợi phát triển du lịch.
Tuy vậy, Thủ tướng nêu một số bất cập của Khánh Hòa, đó là có sự mâu thuẫn giữa phát triển hạ tầng với sự phát triển của các ngành kinh tế, do tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng hạ tầng chưa theo kịp. Một số chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh chưa đạt, trong đó có kim ngạch xuất khẩu; tốc độ giảm nghèo. Khánh Hòa có tiềm năng phát triển du lịch lớn, nhưng du lịch vẫn chỉ chiếm 10% GDP trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, chưa trở thành hình mẫu trong phát triển du lịch bền vững; khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn.
Tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng nhiều chỉ số vẫn ở mức thấp; vẫn còn những bất cập về quản lý an toàn thực phẩm. Do đó, Thủ tướng gợi ý nhiều giải pháp cho Khánh Hòa phát triển trong thời gian tới là: phải tập trung phát triển cả ba mũi theo thứ tự du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.
Thủ tướng nêu rõ: Nhiệm cụ thể là tỉnh cần tập trung đồng bộ, sáng tạo các Nghị quyết của Trung ương và tỉnh; tập trung rà soát các Nghị quyết 19, 35 và 60 của Chính phủ để đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Khánh Hòa cũng cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế. Tỉnh cần đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có từ 25.000 đến 30.000 doanh nghiệp, trong đó cần chú ý thu hút doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp nông thôn. Thủ tướng cũng yêu cầu Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy chính quyền.
Trong phát triển phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng các hình thức đầu tư trong các lĩnh vực, siết chặt quản lý ngân sách, sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả. Nhấn mạnh đến việc cần sử dụng ngân sách như là vốn mồi để thu hút các nguồn vốn khác để phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa xã hội hóa để thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nhân dịp này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng tiến hành huy động vốn để làm đường bộ ven biển, trong đó vốn Nhà nước đóng vai trò là vốn mồi. Thủ tướng nhấn mạnh cần sớm triển khai tuyến đường ven biển để giảm tải cho đường Quốc lộ 1 và đem lại lợi ích cho người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Khánh Hòa đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung vào hai lĩnh vực tỉnh có thế mạnh là kinh tế biển và du lịch. Trong đó phát triển kinh tế biển phải chú trọng đến cảng biển, vận tải biển, nuôi trồng khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần kỹ thuật…
Với thế mạnh du lịch, tỉnh cần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế giúp tỉnh Khánh Hòa phát triển. Đến năm 2020 ít nhất tỉnh phải thu hút được trên 10 triệu lượt khách, trong đó có trên 3 triệu khách quốc tế, đóng góp vào GDP từ 15 đến 20% của địa phương.
Tỉnh cũng cần chú ý quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong đó cần làm rõ việc xây dựng môi trường chiến lược tại Khánh Hòa, đặc biệt là Nha Trang, để phát triển nhanh, tốc độ cao nhưng môi trường biển, môi trường sống của người dân và khách du lịch vẫn đảm bảo.
Đi liền với phát triển, Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng cường quản lý quy hoạch. Tỉnh có đề xuất điều chỉnh cục bộ một số khu vực trong đồ án Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025, Thủ tướng đồng ý về việc này, nhưng cho rằng, khi phát triển quá nhanh thì Khánh Hòa cũng điều chỉnh quy hoạch chung để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển.
Về đề xuất hỗ trợ vốn để xây dựng Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong, Thủ tướng nêu rõ, đây là mô hình mới ở Việt Nam. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thiện đề án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để đề xuất các cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng Dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để có Luật riêng cho Khu kinh tế Bắc Vân Phong./.
VOV-VN
Ý kiến ()