Một trong những yêu cầu cấp bách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp là Chính phủ khẩn trương xây dựng và sớm phê duyệt phương án kinh phí hỗ trợ người dân vùng hạn hán, ngập mặn chưa có trong quy định chung; đồng thời cả hệ thống chính trị các địa phương phải vào cuộc hỗ trợ thiết thực người dân bằng cả các biện pháp trước mắt và lâu dài.
Theo báo cáo và các nhận định chung tại phiên họp, trong 2 tháng đầu năm nay, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung hàng hoá, dịch vụ dồi dào; giá cả thị trường ổn định, không có hiện tượng sốt giá như các dịp Tết trước đây và kéo theo các dịch vụ phát triển khá, nhất là lượng khách du lịch cả trong nước và quốc tế tăng cao.
Tuy nhiên sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu tháng 02 giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết khá dài. Mặc dù vậy, tính chung cả 2 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 865 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 2 tháng qua cũng đạt trên 2,8 tỷ USD, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện, chăm lo cả vật chất và tinh thần đối với người có công, hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Các thành viên Chính phủ cũng tập trung thảo luận nhiều biện pháp nhằm ứng phó với các vấn đề nổi lên hiện nay liên quan đến các đợt rét đậm, rét hại gây thiệt hại về cây trồng, gia súc ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, nhất là số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Đặc biệt, tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; khô hạn, thiếu nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát dự báo, hiện tượng El Nino sẽ tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm nay.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, các vùng sẽ bị xâm nhập mặn gồm hơn một Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm: hầu hết phía nam của Kiên Giang, toàn bộ tỉnh Cà Mau, toàn bộ tỉnh Bạc Liêu, toàn bộ tỉnh Sóc Trăng, toàn bộ tỉnh Trà Vinh, toàn bộ tỉnh Bến Tre và 3/4 tỉnh Hậu Giang, có thể kể cả phía Nam của Cần Thơ, một nửa tỉnh Vĩnh Long, hơn một nửa tỉnh Tiền Giang, khoảng 1/3 của tỉnh Long An.
Như vậy chỉ còn có Đồng Tháp là không bị ảnh hưởng của mặn. Tuy nhiên đây chưa phải là đợt xâm mặn đỉnh điểm, mà đỉnh điểm sẽ là cuối tháng 3 và tháng 4, kéo dài đến tận tháng 6.
Hạn hán ở Nam Trung bộ hiện cũng chưa phải đỉnh điểm, đỉnh điểm sẽ là tháng 4, tháng 5; khu vực Tây Nguyên hy vọng có mưa vào tháng 6. Nhưng ở Ninh Thuận và Bình Thuận thì phải đến tháng 9…
vùng ngập mặn, hạn hán.
Ý kiến ()