Thứ Ba, 21/01/2025 14:40 (GMT +7)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tập đoàn lớn Nhật Bản

Thứ 4, 07/06/2017 | 14:40:00 [GMT +7] A  A

Sáng 7/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với các tập đoàn lớn là thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản Keidanren.

Các tập đoàn gồm Toray Industries; JXTG Holdings; Nomura Holdings; Tokyo Gas; Mitshubishi Corporation; Taisei Corporation; Mitshubishi Electrics Corporation…
Buổi làm việc ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư Nhật Bản liên quan đến những nội dung trong khung khổ chính sách pháp luật về đầu tư tại Việt Nam trên cơ sở những kinh nghiệm làm ăn nhiều năm, trên nhiều lĩnh vực của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đánh giá của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản – Keidanren, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa kinh tế thuận lợi, nằm ở cửa ngõ khu vực kinh tế năng động ASEAN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp, làm việc với Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren) và Chủ tịch các Tập đoàn lớn thành viên Keidanren. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Việt Nam cũng là quốc gia giàu tài nguyên và tiềm năng kinh tế với một thị trường lớn, bền vững, tiệm cận 100 triệu dân. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam còn là mắt xích, là điểm đến đầu tư hấp dẫn và ngày càng có vị trí quan trọng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay con số này đã lên đến hơn 1.500 doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực đa dạng, từ công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, văn hóa, giáo dục… tại nhiều địa phương của Việt Nam.
Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản, thành viên Keidanren đã phát biểu đề xuất nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là đối với đặc thù hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ Việt Nam thực thi chính sách miễn thị thực đơn phương để giảm thủ tục và chi phí cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp Nhật Bản làm việc tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đề nghị Việt Nam cần nâng cao năng lực trong ngành công nghiệp phụ trợ; chú trọng hơn nữa vào việc đào tạo nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để cung ứng cho các doanh nghiệp có nhu cầu cao về lao động trong quá trình triển khai các dự án hợp tác, kinh doanh.
Một số nhà đầu tư mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng; công nghiệp, năng lượng và khẳng định sẽ mang đến Việt Nam những quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Các nhà đầu tư Nhật Bản bày tỏ mong muốn tham gia vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam theo hình thức PPP; góp phần vào việc vun đắp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng thường xuyên được đối thoại với Chính phủ Việt Nam để góp phần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Liên đoàn kinh tế Nhật Bản Sadayuki Sakakibara. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng gặp mặt lãnh đạo tập đoàn hàng đầu Nhật Bản là thành viên Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản – Keidanren tại Tokyo tới chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và có những phản hồi chính sách hết sức thiết thực. Nhấn mạnh đến mảng xúc tiến đầu tư trong chuyến thăm với một chuỗi các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, mà đặc biệt là thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam vừa qua, Thủ tướng cho rằng sự kiện này minh chứng cho sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ song phương; thể hiện ý chí của lãnh đạo hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, thiết thực hơn.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những quan điểm của Việt Nam về định hướng phát triển cũng như việc coi trọng hợp tác kinh tế, thương mại vơi Nhật Bản. Thủ tướng tái khẳng định quan điểm Việt Nam cùng Nhật Bản đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là kinh tế trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Việt Nam nỗ lực duy trì kết quả phát triển kinh tế-xã hội theo hướng nhanh, mạnh và bền vững; chú trọng tăng trưởng xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch và công khai hơn; đi liền với đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thủ tướng hoan nghênh Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản – Keidanren với thương hiệu uy tín, tiềm lực tài chính mạnh mẽ, thị trường rộng lớn và mong muốn các thành viên của liên đoàn mở rộng đầu tư vào thị trường Việt Nam thông qua các dự án PPP. Những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn Keidanren xúc tiến đầu tư là bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo; công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch, dịch vụ và nhất là tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước – một trong những trọng tâm ưu tiên của Việt Nam hiện nay. “Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định và bày tỏ niềm vui sẽ được chào đón các thành viên Keidanren tham dự hội nghị APEC Việt Nam 2017 vào tháng 11 tới đây.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp Keidanren. Liên quan đến vấn đề miễn thị thực đơn phương, Thủ tướng giải đáp: Việt Nam thực hiện theo quy định chung của pháp luật về xuất nhập cảnh, theo đó áp dụng mỗi lần cấp 15 ngày. Song đối với những đối tượng có nhu cầu ra vào Việt Nam nhiều lần như chuyên gia, người lao động thì có thể xin cấp với thời hạn dài hơn lên đến 2 – 3 năm. Từ 1/2/2017, Việt Nam đã áp dụng thí điểm cấp visa điện tử với thời gian 2 năm cho công dân của 40 nước trong đó có Nhật Bản.
Đề nghị Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản – Keidanren kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản tranh thủ thời điểm Việt Nam đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để đầu tư lâu dài, gắn bó với thị trường Việt Nam. Khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản sao cho hiệu quả nhất, tuy nhiên Thủ tướng cũng nêu vấn đề chi phí trong xây dựng cơ bản đối với các doanh nghiệp Nhật Bản hiện ở mức rất cao, gấp nhiều lần so với doanh nghiệp Việt Nam và đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản xem xét lại vấn đề này.
Hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản sử dụng nhân lực Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ hy vọng, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đi đầu trong triển khai thực hiện mô hình PPP ở Việt Nam nhất là đối với các dự án lớn. Việt Nam sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm quan các gian hàng tại Lễ khai trương “Tuần lễ hàng Việt Nam” tại Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cũng trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ cắt băng khánh thành “Tuần lễ hàng Việt Nam” do UBND Thành phố Hà Nội và Tập đoàn AEON phối hợp tổ chức tại Trung tâm Thương mại AEON Lake Town (tỉnh Saitama, Nhật Bản). Hoạt động do Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA); UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Saitama (Nhật Bản) phối hợp tổ chức. Đây là một trong những giải pháp để triển khai “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài” của Bộ Công Thương; đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016 – 2020.
Theo Ban tổ chức, có 50 gian hàng của 69 doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia giới thiệu sản phẩm tại tuần hàng; trong đó, có 36 doanh nghiệp trực tiếp tham gia và 33 doanh nghiệp gửi sản phẩm quảng bá. Các sản phẩm được tập trung giới thiệu gồm: may mặc thời trang, giầy dép; thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, hàng quà tặng; nông sản thực phẩm chế biến; sản phẩm thương hiệu quốc gia, sản phẩm đặc sản của các địa phương… Đặc biệt, Ban tổ chức cũng bố trí riêng 8 gian, trưng bày giới thiệu ấn phẩm xúc tiến, sản phẩm đặc sản các địa phương, sản phẩm thương hiệu quốc gia; 4 gian, trưng bày hoa quả Việt Nam đã xuất khẩu được vào thị trường Nhật Bản.
Ngoài hoạt động trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản, trong khuôn khổ tuần lễ cũng sẽ diễn ra các hoạt động như: Chương trình giao thương, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp phân phối, nhà nhập khẩu Nhật Bản; Tọa đàm quảng bá du lịch Việt Nam và Hà Nội; Trình diễn sản phẩm của nghệ nhân làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Chương Mỹ; nghệ nhân làng nghề thêu tay Quất Động, Thường Tín.
Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống như quan họ Bắc Ninh, ca trù, chầu văn, hát xẩm, nhạc cụ dân tộc…của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội; quảng bá ẩm thực Việt Nam và Hà Nội; khảo sát quy trình, công nghệ sản xuất hàng quà tặng, thủ công mỹ nghệ của Nhật Bản.
Đây cũng là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Thủ đô Tokyo trong khuôn khổ chương trình thăm chính thức Nhật Bản. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Tokyo, lên đường đến Osaka tiếp tục các hoạt động tại đây.
TTXVN/Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu