Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 14:43 (GMT +7)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải chuyển động hệ thống từ TƯ đến cơ sở
Thứ 3, 04/07/2017 | 09:13:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Chiều 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của các địa phương… tại phiên họp Chính phủ tháng 6.
Tiếp tục Phiên họp Chính phủ tháng 6, chiều 3/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã lắng nghe ý kiến của các địa phương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành phản ánh những tồn tại, khó khăn trong từng địa phương, lĩnh vực; đồng thời đề xuất những giải pháp cụ thể từ nay đến hết năm, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội cả năm 2017.
Sau gần 10 tiếng làm việc, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ tháng 6, trên tinh thần tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tăng trưởng và coi đây là nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017.
Tiếp tục các nội dung của Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường báo cáo, cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với nhiều chuyên gia quốc tế để giám sát và đánh giá các chỉ số môi trường biển tầng đáy ở 4 tỉnh miền Trung. Phương pháp được thực hiện là lấy mẫu ở biển miền Trung, so sánh với mẫu tương đương ở biển các tỉnh Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hải Phòng để đối chứng.
Theo ông Cường, do thế giới có một số chỉ tiêu không có ngưỡng nên Bộ đã thống nhất áp dụng phương pháp này để so sánh. Kết quả lấy mẫu cho thấy, trong các chỉ tiêu cơ bản phenol, xyanua đã giống nhau, duy chỉ còn 1 trong số 4 mẫu là còn có chỉ số phenol là khác một chút. Bộ Y tế sẽ tổ chức họp với các nhà khoa học để tiến tới công bố biển miền Trung đã an toàn.
Cho ý kiến chỉ đạo về vấn đề này tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý, do đây là câu chuyện ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân nên trong vòng nửa tháng tới, Bộ Y tế phải khẩn trương kiểm tra mẫu còn lại đảm bảo kết quả thật chắc chắn. Nếu đã xác định an toàn thì ngành Y tế cần họp báo để công bố công khai cho người dân, dư luận được yên tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tính đến thời điểm này, tình hình xuất khẩu nông sản của cả nước đạt mức khá cao, trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Nếu không có điều kiện bất lợi, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2017 để góp phần cân đối cán cân ngoại tệ của nền kinh tế.
Bộ trưởng cũng dự báo những khó khăn, thách thức trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là diễn biến khó lường của thời tiết. Ngoài ra, về yếu tố thị trường của các mặt hàng nông sản, thị trường cá tra Hoa Kỳ đang ở mức tới hạn; thị trường Trung Quốc đang tái sản xuất nông nghiệp nên cũng rất hạn chế nhập khẩu.
Báo cáo về tiến độ thu chi ngân sách nửa đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách đang có tiến độ khá tốt, đặc biệt là tỷ lệ thu ngân sách địa phương bình quân đạt 54% dự toán. Song, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nhìn chung mức thu nội địa đang giảm. Đáng lo ngại là tốc độ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn rất chậm, đến nay mới thu được 10.000 tỷ trong tổng số chỉ tiêu 60.000 tỷ trong năm 2017 mà Quốc hội giao dẫn đến chưa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư cơ bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù năm nay được giao vốn từ rất sớm nhưng việc triển khai thực hiện ở các bộ, ngành và địa phương vẫn chậm. Nhiệm vụ này là rất quan trọng và cần sớm được đẩy nhanh trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Cũng để kích thích tăng trưởng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành cần tăng cường xây dựng và triển khai các Đề án tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình kinh tế phục vụ tăng trưởng. Trước mắt, Phó Thủ tướng cho rằng giải pháp căn cơ nhất là ngành Ngân hàng cố gắng giảm lãi suất cho vay để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
Sau khi lắng nghe các ý kiến tại Phiên họp, phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục tốt các khuyết điểm trong công tác quản lý, điều hành. Thủ tướng yêu cầu cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, phải chuyển động hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, nhất là các Tổng Cục, Cục, Vụ, Sở, huyện, xã, theo hướng phục vụ người dân tốt hơn; giải quyết nhanh mọi thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới chịu trách nhiệm về các dự án đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vấn đề này, báo cáo Thủ tướng hoặc Quốc hội để xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng đề nghị xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực, nhất là theo hình thức PPP trên cơ sở nghiên cứu mô hình Quảng Ninh, Hà Nội và một số địa phương khác để nhân rộng.
Thủ tướng nêu rõ: “Đầu tư vào các lĩnh vực phát triển đất nước không chỉ dựa vào nguồn vốn Nhà nước mà còn cần đến các nguồn vốn khác, nhất là dựa vào nhân dân, doanh nghiệp”.
Chỉ đạo tiếp tục quan tâm đến người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm các loại phí để có giá thành cạnh tranh; nghiên cứu sớm giảm lãi suất tiền vay, đây đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Tiếp tục cải cách để môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa theo hướng thực hiện tốt, mạnh mẽ hơn nữa Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến mục tiêu lọt vào tốp đầu ASEAN.
Thủ tướng lưu ý các cấp, các ngành tăng cường đối thoại, xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; tránh thái độ, tư tưởng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, sai thực tiễn. Nếu lý thuyết đi từ trong phòng lạnh thì sẽ không đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang rất chậm trễ như hiện nay bởi cổ phần hóa không phải chỉ là thu hồi vốn cho Nhà nước mà là cơ hội để chính các cổ đông tham gia quản trị, giám sát doanh nghiệp hiệu quả hơn.
Nhấn mạnh đến việc giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống hành chính, Thủ tướng tán thành đề xuất của Chủ tịch MTTQ Việt Nam về việc xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình đóng tàu vỏ thép. Đi liền với đó là đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục bệnh phô trương hình thức vẫn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương. Cần thực hiện rốt ráo, quyết liệt nhiệm vụ này chứ không phải chỉ chú trọng điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh.
Nhắc nhở không đặt vấn đề tăng trưởng mọi giá mà tăng trưởng số lượng phải đi đôi với chất lượng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát mô hình tăng trưởng phải theo tam giác phát triển kinh tế-xã hội- môi trường; chú trọng phát triển các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo, đẩy mạnh xuất khẩu…
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, các vùng du lịch để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành./.
Ý kiến ()