Vũ Dũng/VOV
Tất cả chuyên mục
VOV.VN – Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Đức chiều 6/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng có một làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam.
Chiều 6/7 theo giờ địa phương, tại Thủ đô Berlin, Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Đức. Cùng dự có Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức Brigitte Zypries, khoảng 500 nhà đầu tư Đức và gần 100 nhà đầu tư Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế được đánh giá cao về sự năng động và tiềm năng đầu tư. Chính phủ Việt Nam đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và đây là hướng đi đúng đắn mà Chính phủ cần tiếp tục thực hiện. Việc xây dựng một hành lang pháp lý bền vững, có tính dự báo là rất quan trọng cho các doanh nghiệp Đức. Giữa Việt Nam và Đức còn có nhiều tiềm năng hợp tác, nhất là khi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức muốn tìm cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Kinh tế và năng lượng Đức Brigitte Zypries cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước.
“Việt Nam có uy tín rất cao đối với Đức và các nhà đầu tư Đức đánh giá Việt Nam là nước năng động và đang vươn lên. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng kinh tế thông qua các con số như tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam có dân số trẻ và đầy nhiệt huyết. Nhiều người trẻ tuổi muốn được khẳng định mình trong cuộc sống. Đó là những cơ hội tốt đối với các doanh nghiệp Đức và doanh nghiệp Đức muốn đóng góp một phần vào sự phát triển này”, Bộ Brigitte Zypries nhấn mạnh.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức cũng cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU sẽ là cơ sở quan trọng tạo động lực mới cho hợp tác hai bên. Theo đó, hầu hết các dòng thuế của EU và Việt Nam sẽ được rỡ bỏ để hàng hóa giao thương thuận lợi hơn. Qua đó, đưa ra thông điệp rõ ràng là cùng hỗ trợ cho thể chế thương mại quốc tế mở.
Mặc dù còn những vướng mắc nhưng hai bên đã tìm được cơ chế giải quyết tháo gỡ khó khăn nhanh chóng cho doanh nghiệp. Bà Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn hai bên có thể nghiên cứu thành lập Phòng Thương mại song phương Đức-Việt Nam để thúc đẩy hợp tác hai bên hơn nữa.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam và Đức là đối tác chiến lược toàn năm 2011. Trong quan hệ với EU, Đức là đối tác quan trọng của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 9 tỷ USD, chiếm 20% trao đổi thương mại Việt Nam và EU. Nhiều đối tác quan trọng của Đức có mặt tại Việt Nam, hiện tổng vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam là 1,8 tỉ USD.
Thủ tướng cho rằng, sự ra đời của Đại học Việt – Đức tại Bình Dương sẽ không chỉ giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề về giao thông vận tải, phát triển đô thị, năng lượng, quy hoạch đô thị và phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng đã thông tin đến các nhà đầu tư Đức tại diễn đàn về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi của Việt Nam. Việt Nam có nền kinh tế mở với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, là cửa ngõ để doanh nghiệp Đức vào thị trường ASEAN và các thị trường Việt Nam tham gia FTA.
Việt Nam từng bước gỡ bỏ hạn chế trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ, viễn thông, tài chính ngân hàng; cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế hoặc nâng trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả bán cổ phần chiến lược của doanh nghiệp Nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là gỡ bỏ thủ tục cấp phép mở tài khoản và giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi cho giao dịch tài khoản vốn, xóa bỏ các biện pháp kiểm soát vốn không phù hợp thông lệ quốc tế.
Thủ tướng cho biết hệ thống ngân hàng Việt Nam đang được tái cơ cấu theo hướng lành mạnh hiệu quả hơn, đáp ứng chuẩn mực quản trị hiện đại.
“Trong tiến trình đó nhiều cơ hội mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia vào tái cơ cấu hợp tác ngân hàng. Việt Nam đáp ứng năng lực cạnh tranh và hội nhập tài chính toàn cầu. Việt Nam cũng đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập trong các lĩnh vực như hạ tầng, vận tải, sân bay, đường cao tốc, cảng biển, điện lực, viễn thông, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp và dịch vụ”, Thủ tưởng khẳng định.
Thủ tướng cũng cho hay, Việt Nam đang cải cách, đổi mới, tạo môi trường pháp lý tốt nhất cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thủ tướng mong muốn, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất và là thành viên có tầm ảnh hưởng trong EU cũng như các tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu, Đức sẽ là người bạn tin cậy của Việt Nam, hỗ trợ, thu hút sự quan tâm và nguồn lực của quốc tế vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, tự động hóa, đào tạo nghề và giáo dục đại học, công nghệ và kinh nghiệm quản trị của Đức sẽ giúp Việt Nam vượt lên nhanh chóng trong xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, chúng tôi mong Đức hỗ trợ cho Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua khuyến khích các nhà doanh nghiệp Đức đầu tư vào công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, khuyến khích các liên doanh liên kết với các doanh nghiệp ở địa phương, kể cả ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, năng lượng gió tại Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ.
Ấn tượng với các nhà đầu tư Đức tham dự diễn đàn và quan tâm đến thị trường Việt Nam, Thủ tướng tin tưởng sau diễn đàn này một làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, theo giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành khu vực ASEAN của Tập đoàn BMW; tiếp Giám đốc điều hành sân bay Munich; tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng BPCE International./.
Ý kiến ()