Thứ Bảy, 18/01/2025 06:39 (GMT +7)

Thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở phải hướng đến người dân

Thứ 4, 18/01/2017 | 20:45:00 [GMT +7] A  A

Sáng 18/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trương Thị Mai, ỦY viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phát biểu tại Hội nghị.

Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở Trương Thị Mai nhấn mạnh, công tác dân chủ tại cơ sở trong năm qua đã có nhiều kết quả tích cực. Việc tổ chức tiếp dân ở địa phương, đơn vị, đối thoại giữa doanh nghiệp với người lao động được tăng cường, đem lại hiệu quả. Cải cách hành chính và các chính sách an sinh xã hội ngày càng cải thiện, tạo được niềm tin của nhân dân.

Bà Trương Thị Mai cho biết, điểm nổi bật trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2016 chính là việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong việc thực hiện các bước, quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. UBND xã, phường, thị trấn nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức họp dân để thảo luận, bàn bạc công khai, đi đến quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo không khí dân chủ, đồng thuận cao trong nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực đóng góp từ nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với nhiệm vụ chính trị và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai, minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Công tác cải cách hành chính và thực hiện quy chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa liên thông hiện đại” được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian của các tổ chức, cá nhân.

Trưởng ban Chỉ đạo Trương Thị Mai cho rằng, để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả, các chính sách đối với người dân phải được tăng cường, sửa đổi cho phù hợp hướng đến người dân, giải quyết các vấn đề bức xúc còn tồn đọng trong xã hội. Các doanh nghiệp phải thực sự quan tâm, coi trọng người lao động, để người lao động phát huy được quyền làm chủ; quá trình thực hiện quy chế dân chủ tại cơ quan, đơn vị phải được công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung vào những nội dung cơ bản như: Tăng cường phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể; tiếp tục mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội; việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sơ sở phải gắn với Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

Năm 2016, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã được 10/14 bộ, ngành tích cực thực hiện, chuẩn hóa gần 3.600 thủ tục hành chính, đạt 95,8%; khoảng 204.000 hồ sơ thủ tục hành chính của 8.200 doanh nghiệp được xử lý hiệu quả; tổ chức hơn 22.000 cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động, giải quyết các vấn đề về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm, tiền lương, bữa ăn ca…

Trong năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ tại một số địa phương, đơn vị vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những vấn đề bức xúc của người dân vẫn chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời. Việc triển khai một số dự án lớn chưa được công khai đầy đủ, nên chưa nhận được sự đồng thuận từ dân, dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Một số Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở chưa phát huy vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, nội dung còn sơ sài, mang tính hình thức. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế dân chủ, quy chế hội nghị người lao động, quy chế đối thoại, vi phạm luật bảo hiểm và những chế độ liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Đỗ Bình (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu