Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 03:50 (GMT +7)
Thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh
Thứ 5, 12/01/2017 | 09:51:00 [GMT +7] A A
Ngày 11/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Phiên họp thứ hai để cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2016; phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 và dự thảo Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung cụ thể của dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2016 để tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời tập trung thảo luận thông qua dự thảo Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2017, tạo cơ sở thuận lợi để các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN |
Các ý kiến phát biểu tại phiên họp cho rằng, dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác cải cách tư pháp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 và dự thảo Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2017 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã gửi lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký theo đúng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Về cơ bản, các thành viên Ban Chỉ đạo đều nhất trí với nội dung của dự thảo; một số ý kiến đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể. Văn phòng Ban Chỉ đạo được giao tổng hợp đầy đủ ý kiến, tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện văn bản để báo cáo Bộ Chính trị theo quy định.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, trong năm 2016, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp. Chủ tịch nước nêu rõ, phần lớn các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy đã kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc về cải cách tư pháp; xây dựng quy chế làm việc, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương.
Tổ chức bộ máy của các cơ quan được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp đã được kiện toàn theo đúng quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức tòa án nhân dân, Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp được coi trọng; hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp tiếp tục được tăng cường; công tác giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có nhiều tiến bộ. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án từng bước được nâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan, sai; cơ bản đã bảo đảm được quyền con người, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển lành mạnh.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng lưu ý thực tế quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc cần đánh giá đúng mức, xác định rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch nước chỉ ra một số vấn đề cụ thể, việc chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật chưa sâu sát, để xảy ra một số sai sót, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật khác có liên quan. Việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án một số vụ án có liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng còn chậm trễ, vẫn còn sai sót, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.
Đội ngũ cán bộ được giao thực hiện các nhiệm vụ tư pháp vẫn còn thiếu về số lượng và một số cán bộ yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan, cán bộ được giao thực hiện các hoạt động tư pháp và công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các tổ chức luật sư, công chứng, giám định, thừa phát lại… chưa được tiến hành thường xuyên, chưa xử lý, chấn chỉnh kịp thời các vi phạm. Việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn chậm, thiếu đồng bộ.
Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, trong năm 2017, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng; thi hành nghiêm túc các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động tư pháp mới được Quốc hội thông qua. Đi cùng với đó là việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời các biểu hiện sai phạm; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại; bảo vệ pháp luật, công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp của cơ quan, tổ chức và cá nhân…
Về Chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức 4 phiên họp trong năm 2017 để thảo luận, cho ý kiến về 6 đề án, báo cáo. Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trình đề án, báo cáo cần chủ động tổ chức nghiên cứu, xây dựng đề án, báo cáo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức có liên quan theo đúng kế hoạch đã dự kiến nhằm giúp Ban Chỉ đạo thực hiện đúng chương trình làm việc đã đề ra.
Về công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nắm tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp ở từng cơ quan, tổ chức và các địa phương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức một số đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình ở các địa phương, mỗi đoàn công tác sẽ do 1 thành viên Ban Chỉ đạo là Trưởng đoàn. Chủ tịch nước giao Văn phòng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm dự thảo kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian tiến hành kiểm tra và cử cán bộ tham gia phục vụ đoàn công tác, tổng hợp kết quả báo cáo với Ban Chỉ đạo.
Ý kiến ()