Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 11/01/2025 11:57 (GMT +7)
Tiền Giang tăng cường quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói trái cây
Thứ 3, 16/05/2023 | 15:39:00 [GMT +7] A A
VOV.VN - Để phục vụ thị trường xuất khẩu trái cây, ngành chức năng và nhà vườn, doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang đang thực hiện các biện pháp quản lý, giữ vững mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ổn định và phát triển.
Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, đến thời điểm này trên địa bàn có 271 mã số vùng trồng đối với cây ăn trái được cấp với diện tích hơn 20.000 ha; bao gồm 70 mã số vùng trồng cây mít, 77 mã số cây thanh long, 32 mã số vùng trồng cây xoài, 12 mã số vùng trồng cây vú sữa, 66 mã số vùng trồng cây sầu riêng và 14 mã số vùng trồng cây dưa hấu, nhãn, chôm chôm, bưởi. Bên cạnh đó, tỉnh Tiền Giang còn có 257 mã số cơ sở đóng gói các loại trái cây.
Đáng chú ý, trong 2 năm 2021-2022, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã tiến hành rà soát đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói được cấp mã số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã hủy 450 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói do không đảm bảo theo quy định mới của các nước nhập khẩu, hoặc đã ngừng hoạt động hay chuyển sang cây trồng khác.
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; quản lý chặt chẽ công tác cấp 2 loại mã số này; tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa của việc cấp mã số phục vụ xuất khẩu; chấp hành các quy định của nước nhập khẩu, sản xuất theo hướng an toàn; kiểm tra giám sát định kỳ chặt chẽ.
Đối với hộ sản xuất trong vùng được cấp mã số cần áp dụng quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn, sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất và tiến hành bao trái đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mục tiêu là tiến tới sản xuất theo hướng GAP. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mở rộng hoặc cấp mới mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu chính ngạch đối với các thị trường xuất khẩu.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- Bảo vệ thực vật Tiền Giang cho biết, căn cứ theo văn bản 1776 của Bộ NN&PTNT giao về cho địa phương cấp mã số và quản lý nên địa phương đã làm hết các bước.
“Điều quan trọng là các địa phương phải quản lý tốt, thường xuyên tiến hành rá soát mã số vùng trồng xem thực tế thay đổi, nhất là sản lượng để thông báo cho Cục BVTV thường xuyên biết. Đối với các cơ sở đóng gói, Chi cục BTVT đang thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra có mã số đóng gói hay không, hoặc họ có lấy mã số khác đóng vào sản phẩm của họ hay không nên rất cần chấn chỉnh bằng cách tăng cường kiểm tra”, ông Men nói./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Ý kiến ()