Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 18/01/2025 02:26 (GMT +7)
Tiến tới triệt tiêu các hoạt động đa cấp bất chính
Thứ 2, 22/05/2017 | 10:16:00 [GMT +7] A A
Bán hàng đa cấp vốn là phương pháp marketing giúp doanh nghiệp xây dựng được hệ thống đại lý gắn kết, bán hàng hiệu quả và giảm chi phí quảng cáo. Thế nhưng, khi vào Việt Nam, hoạt động đa cấp có lúc lại bị biến tướng và trở thành công cụ lừa bịp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh. Ảnh: Sĩ Tuyên/TTXVN |
Gần đây nhất là thông tin Bộ Công Thương công bố chấm dứt hoạt động đối với công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy vì những sai phạm trong hoạt động kinh doanh. Để tìm hiểu rõ hơn về những bất cập cũng như những giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian tới, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, với việc Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ngừng hoạt động bán hàng đa cấp thì quyền lợi của những người tham gia bán hàng đa cấp sẽ được giải quyết như thế nào?
Pháp luật về bán hàng đa cấp, cụ thể là Nghị định 42/2014, sẽ bảo vệ những người tham gia vào Công ty Thiên Ngọc Minh Uy nếu họ là những người bán hàng đúng nghĩa, tức là có nhận hàng để đi bán nhưng vì một lý do nào đó không bán được, nay muốn trả lại hàng để nhận lại tiền bởi thời hạn trả hàng vẫn còn (30 ngày kể từ ngày nhận hàng) thì công ty phải trả lại tiền cho người đó.
Bộ Công Thương đã yêu cầu và Thiên Ngọc Minh Uy cũng đã xây dựng quy trình tiếp nhận và giải quyết yêu cầu trả lại hàng hóa của người tham gia. Bộ đã công bố công khai quy trình này và sẽ giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết quyền lợi cho người tham gia của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Xin nhấn mạnh là pháp luật về bán hàng đa cấp không điều chỉnh các mối quan hệ dân sự khác phát sinh giữa người tham gia và Thiên Ngọc Minh Uy. Ví dụ, một người nào đó chuyển tiền cho công ty để hi vọng nhận được tiền lời cao thì quan hệ đó không phải là quan hệ bán hàng đa cấp. Vì vậy, khi có tranh chấp phát sinh, người đó cần căn cứ vào luật dân sự để giải quyết. Nói cách khác, người đó cần kiện công ty ra toà dân sự để được xem xét, bảo vệ quyền lợi.
Trường hợp người tham gia có lý do để cho rằng mình đã bị lừa thì do đây là tội hình sự, Bộ Công Thương và các Sở Công Thương sẽ hướng dẫn người tham gia làm đơn tố giác tội phạm gửi tới cơ quan công an để được xác minh.
Nhiều vụ việc cơ quan chức năng chỉ có thể vào cuộc khi các dấu hiệu lừa đảo đã tương đối rõ, mà khi đó thì quá muộn, thiệt hại đã rất nặng nề như vụ việc xảy ra tại Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt Công ty Liên kết Việt). Vậy xin Thứ trưởng cho biết vì sao lại có sự chậm trễ như vậy?
Có 2 lý do chính dẫn đến tình trạng này. Một là, luật pháp chỉ cho phép sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh hàng hóa, không được sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh bất kỳ sản phẩm nào khác. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn sử dụng phương thức đa cấp để tiếp thị các sản phẩm không phải là hàng hóa như tiền ảo, góp vốn đầu tư… Đây đều là kinh doanh trái phép.
Khi bộ Luật Hình sự còn tội “kinh doanh trái phép” thì cơ quan chức năng có thể vào cuộc để xử lý sớm các hành vi này ngay từ khi chúng mới manh nha xuất hiện. Tuy nhiên, do bộ Luật Hình sự đã bỏ tội “kinh doanh trái phép” nên khi phát hiện được hành vi, cơ quan chức năng rất khó xử lý. Đến khi có người tố giác hành vi lừa đảo thì đã muộn.
Xuất phát từ đây, Bộ Công Thương đã đề xuất đưa vào bộ Luật Hình sự sửa đổi tội danh “kinh doanh đa cấp không phép”. Hy vọng sẽ là công cụ hữu hiệu để phát hiện và ngăn chặn sớm các hành vi lừa đảo.
Hai là, ý thức của chính những người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có ý thức tự bảo vệ và ý thức tố giác vi phạm. Với tất cả các đơn khiếu nại mà Bộ Công Thương nhận được, không một ai xuất trình được bằng chứng về việc mình đã bị lừa.Tất cả mọi người đều nói “tôi được hứa hẹn lãi suất là ngần này, ngần kia” nhưng không hề có văn bản nào hay băng ghi âm, ghi hình nào ghi lại các thỏa thuận đó. Kết quả là cơ quan chức năng không có căn cứ để xử lý. Ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ đồng tiền do mình vất vả mới kiếm được, như vậy là yếu.
Một số trường hợp Bộ Công Thương, bằng nhiều biện pháp khác nhau, đã truy gần đến đích, chỉ cần người tham gia ký biên bản làm việc với Bộ để Bộ có căn cứ xử lý công ty bán hàng đa cấp thì đến phút cuối người tham gia lại từ chối ký, thậm chí rút đơn do đã được công ty tiếp cận và thỏa hiệp. Ý thức tố giác vi phạm như vậy là rất kém.
Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương đã phải rất nỗ lực mới tìm đủ căn cứ để thu hồi và chấm dứt được hoạt động của hơn 30 công ty bán hàng đa cấp.
Thưa Thứ trưởng, kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội và gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Chúng tôi sẽ tập trung vào mấy giải pháp chính: Thứ nhất, sẽ duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Trong đó, sẽ tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các lực lượng chức năng trên cùng một địa bàn. Với một hệ thống “đan lưới” như vậy, hiệu quả kiểm tra, giám sát sẽ được nâng lên đáng kể như ta đã thấy trong năm 2016.
Thứ hai là hoàn thiện pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Bao gồm trình Quốc hội bổ sung tội danh “kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp” vào Bộ luật Hình sự sửa đổi; trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 42/2014 để tăng cường quản lý.
Thứ ba là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật. Như đã trình bày, thiệt hại của người tham gia, trong đa số các trường hợp, là xuất phát từ chính ý thức của người tham gia. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ tiếp tục được chú trọng. Một khi nhận thức của người dân được nâng cao, môi trường hoạt động và cơ hội trục lợi của các đối tượng bất chính sẽ ngày càng bị thu hẹp.
Được biết Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp. Vậy Thứ trưởng có thể chia sẻ những điểm mới trong dự thảo lần này?
Thứ nhất, minh bạch tối đa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát. Ví dụ, toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mại và các lợi ích kinh tế khác bằng tiền phải được trả cho người tham gia dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Toàn bộ dữ liệu về hoạt động bán hàng đa cấp phải được lưu trên máy chủ đặt tại Việt Nam để tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra.
Thứ hai, tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, có thể nói là lấy địa phương làm gốc cho quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.
Thứ ba, quy định cụ thể hơn vấn đề giao, nhận, gửi và trả lại hàng hoá để bảo đảm người tham gia bán hàng thực sự. Không có bán hàng thì không có hoa hồng, không có lợi ích nào cả. Nếu người tham gia cố ý lờ đi, cố ý làm trái các quy định này thì trong tương lai, khi tranh chấp xảy ra, người tham gia sẽ phải tự chịu trách nhiệm.
Bên cạnh những giải pháp vừa nêu thì để hoạt động kinh doanh đa cấp thực sự lành mạnh thì theo Thứ trưởng ý thức cộng đồng về lĩnh vực này cần được thay đổi như thế nào cho phù hợp?
Vấn đề cốt lõi ở đây là ý thức của người tham gia bán hàng đa cấp và cách nhìn của cộng đồng.
Về phía người tham gia bán hàng đa cấp, nếu là người bán hàng thực sự, khi có chuyện xảy ra, pháp luật và cộng đồng sẽ bảo vệ. Nhưng nếu tham gia các thỏa thuận dân sự khác, không phải là bán hàng đa cấp, thì khi có chuyện xảy ra cần ý thức là phải tự mình xử lý, hoặc là theo luật dân sự, hoặc là theo luật hình sự.
Về phía cộng đồng, tôi hiểu là sẽ rất sốc khi nghe những gì tôi sắp nói. Tuy nhiên, tôi vẫn mạnh dạn đề nghị: Hãy cân nhắc kỹ khi coi tất cả những người tham gia bán hàng đa cấp là “nạn nhân” bởi rất ít người trong số họ là nạn nhân thực sự. Qua làm việc với những người khiếu nại, tôi có thể khẳng định: đa số đều biết và đều hiểu mình đang làm gì. Nếu chúng ta tiếp tục coi họ là “nạn nhân”, họ sẽ vẫn lao vào, tiếp tay và đồng lõa với đa cấp bất chính bởi cho rằng khi có chuyện xảy ra sẽ có nhà nước cứu, dư luận cứu.
Chỉ khi nào đám đông hiểu rằng: mình phải tự chịu trách nhiệm với chính các hành vi của mình thì khi đó mới có sự chuyển biến về nhận thức và bán hàng đa cấp bất chính mới không có đất để phát triển.
Tuy nhiên, để thay đổi nhận thức của cộng đồng là việc không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi vẫn phải tập trung vào những việc mà cơ quan quản lý có thể làm và phải làm để hạn chế dần, tiến tới triệt tiêu các hoạt động đa cấp bất chính.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Ý kiến ()