Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 3-6/11.
Tổng thống Cộng hòa Iceland Ólafur Ragnar sinh năm 1943. Năm 1970, ông là tiến sỹ khoa học chính trị, Đại học Manchester và là giảng viên Khoa học Chính trị, Đại học Iceland. Từ năm 1971-1973, ông là thành viên Ban Chấp hành Đảng Tiến bộ; năm 1974 ông là ứng cử viên Quốc hội cho Liên minh Tự do cánh tả. Từ năm 1978-1983 ông là nghị sỹ Quốc hội Iceland. Từ năm 1981-1984 ông là thành viên của Hội đồng Nghị viện châu Âu. Từ năm 1984-1990, ông là Chủ tịch của tổ chức quốc tế các nghị sỹ vì “Hành động toàn cầu”; là Ủy viên Ủy ban Sáng kiến Hòa bình (gồm 6 nguyên thủ quốc gia). Từ năm 1988-991, ông giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính; từ năm 1979-1991 là Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh Iceland. Từ năm 1996 đến nay, ông giữ chức vụ Tổng thống Iceland. Ông được bầu lại vào các năm 2000, 2004, 2008 và 2012.
Thành viên chính thức Đoàn Tổng thống nước Cộng hòa Iceland thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam gồm: Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson; bà Dorrit Moussaieff, Phu nhân Tổng thống; ông Gunnar Bragi Sveinsson, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Stefán Haukur Jóhannesson, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao; ông Örnólfur Thorsson, Tổng Thư ký Văn phòng Tổng thống; ông Stefán Skjaldarson, Đại sứ Iceland tại Trung Quốc kiêm nhiệm Việt Nam; ông Jóhann Sigurjónsson, Tổng Giám đốc, Viện Nghiên cứu biển; ông Guðni Jóhannesson, Tổng Giám đốc, Viện Năng lượng Quốc gia; ông Ari Kristinn Jónsson, Hiệu trưởng Trường Đại học Reykjavik.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, khai thác các thế mạnh và tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Iceland trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ, giáo dục…; tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu và tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư; thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); tăng cường hợp tác giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế mà hai nước là thành viên; đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm./.
Ý kiến ()