Chủ Nhật, 26/01/2025 16:31 (GMT +7)

TP Hồ Chí Minh thí điểm thẻ xe buýt thông minh trên 9 tuyến

Thứ 6, 07/12/2018 | 10:09:00 [GMT +7] A  A

Trong tương lai, thẻ xe buýt thông minh sẽ thuận tiện cho người dân khi đi xe buýt bằng công nghệ mới với nhiều chức năng thanh toán và sẵn sàng tích hợp, mở rộng để sử dụng một thẻ giao thông công cộng cho nhiều loại hình như metro, taxi, buýt thủy, xe đạp công cộng.

Đó là thông tin của đại diện Trung tâm quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết ngày 6/12.

Theo đó, trong tháng 12 thành phố triển khai thí điểm dùng thẻ điện tử cho tuyến xe buýt mã số 86, chạy đoạn Bến Thành – Đại học Tôn Đức Thắng.

Trong quá trình vận hành thử nghiệm một tháng, trung tâm sẽ theo dõi, hoàn chỉnh giải pháp kỹ thuật, các chức năng hệ thống, đồng thời rút kinh nghiệm và điều chỉnh hệ thống sao cho đạt được các mục tiêu về hiệu quả vận hành đặt ra.

Từ đó, trung tâm sẽ hoàn chỉnh đề án thí điểm báo cáo Sở Giao thông Vận tải trình UBND thành phố Hồ Chí Minh để xin chủ trương chấp thuận triển khai thí điểm trên 8 tuyến xe buýt khác với các tuyến lựa chọn lộ trình đi qua các trường đại học lớn, có số lượt hành khách đi thường xuyên cao, tỷ lệ học sinh – sinh viên đi lại cao.

Sau giai đoạn thí điểm, trên 9 tuyến xe buýt trong 6 tháng với tổng số xe dự kiến khoảng 141 phương tiện, trung tâm sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả, báo cáo Sở Giao thông Vận tải trình UBND thành phố triển khai mở rộng trên toàn hệ thống xe buýt.

Mục tiêu của thẻ xe buýt thông minh nhằm hướng tới công nghệ mở hiện nay, có khả năng tích hợp trong thời gian tới với các dịch vụ thanh toán không chỉ phải sử dụng thẻ vật lý mà còn có thể thông qua các tài khoản trên thiết bị di động, trên nền tảng công nghệ không tiếp xúc như công nghệ NFC, công nghệ QR code, thẻ tín dụng do các ngân hàng phát hành…

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng thí điểm kiểm soát hoạt động ra vào bến của xe buýt tại các đầu bến bằng công nghệ nhận dạng RFID. Cụ thể, tại 3 đầu bến gồm Công viên 23/9, Bến xe An Sương và Bến xe buýt khu B Đại học Quốc gia. Thiết bị RFID thực hiện 4 tuyến: 4, 27, 65, 33 với số lượng phương tiện tương ứng là 34, 20, 19 và 52.

Tại Công viên 23/9, thiết bị nhận dạng xe buýt RFID được trang bị hiện đại: gồm hệ thống giá long môn, ăng ten; cáp tín hiệu; camera… lắp tại đầu bến. Khi tuyến xe buýt được gắn thiết bị RFID đi qua, hệ thống sẽ tự động ghi nhận chính xác biển số, ngày giờ xuất bến, về bến thay vì phương pháp thủ công có sự can thiệp của con người như trước kia.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh, đây là ứng dụng công nghệ RFID phục vụ công tác kiểm soát và quản lý trong việc tự động hóa xác nhận chuyến vận doanh xe buýt; là cơ sở tiến tới việc sử dụng kết quả này trong thanh toán trợ giá xe buýt.

Kiểm soát xe buýt bằng thiết bị RFID có các tính năng như: tự động ghi nhận xe buýt ra vào bến. Cung cấp công cụ đối soát, hậu kiểm đảm bảo kết quả được khách quan, độc lập với phương án ghi nhận ra vào chính. Cung cấp công cụ truy vấn nhật ký ra vào bến của xe buýt bất kỳ. Cung cấp công cụ mở rộng ứng dụng tự động ghi nhận xe buýt ra vào bến, đáp ứng quy trình khép kín. Có khả năng kết nối và tích hợp vào hệ thống lõi quản lý, điều hành hoạt động xe buýt.

Khi xe buýt đi qua nơi có gắn RFID, camera sẽ tự động chụp lại, kiểm soát ngày giờ xuất bến, biển số xe chính xác, không có sự can thiệp của con người. Công nghệ RFID là công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến, cho phép một thiết bị đọc thông tin chứa trong chip ở khoảng cách xa, không cần tiếp xúc trực tiếp, không thực hiện bất kỳ giao tiếp vật lý nào giữa hai vật không nhìn thấy. Đây là công nghệ mới tiên tiến, đang ngày càng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trên thế giới. Hiệu quả của nó mang lại như: sự tiện dụng, linh hoạt, hiệu quả chính xác, nhanh chóng.

Theo Hoàng Hải (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu