Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 17/01/2025 20:41 (GMT +7)
Trao gửi niềm tin và ước vọng – Nền tảng để bứt phá
Thứ 6, 21/05/2021 | 15:54:00 [GMT +7] A A
Những ngày này, trên từng con phố hay đường làng, ngõ xóm, từ thành phố tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, hải đảo xa xôi trên mọi miền đất nước chung một không khí hân hoan chờ đón, hướng về Ngày hội lớn – ngày 23/5/2021 cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Trên khắp các tuyến phố đều đỏ rực màu cờ và khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày bầu cử. Ảnh: An Đăng/TTXVN
Ba điểm nhấn nổi bật
Tổng Thư ký – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đánh giá, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có 3 điểm nhấn rõ nét. Trong đó, nổi bật nhất là công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ rất sớm. Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các Tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc được thành lập, kiện toàn sớm. Cùng với đó, công tác chuẩn bị bầu cử cũng được tiến hành sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Những yếu tố này đã tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm triển khai kịp thời các kế hoạch, lịch trình và công việc phải thực hiện trong cuộc bầu cử.
Danh sách nhân sự ứng cử lần này, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) quy định số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%. Nghị quyết 1185 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 người; dự kiến số lượng đại biểu chuyên trách là 200 người, trong đó số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương 133 đại biểu và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương là 67 đại biểu.
Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu trong lần bầu cử này, tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Ngoài ra, việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và đại biểu không chuyên trách.
Xác định đại diện của đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia làm đại biểu Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mang tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của đồng bào đến với Quốc hội, Chính phủ để xây dựng chính sách, triển khai chính sách phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của đồng bào. Nhiệm kỳ XV đề ra mục tiêu nâng tỷ lệ cơ cấu đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số từ 17,3% (khóa XIV) lên 18% (khóa XV). Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số là mục tiêu có thể đạt được. Ông tin tưởng với sự chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cũng như cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự ủng hộ của nhân dân, cử tri sẽ có thêm nhiều ứng cử viên là người dân tộc thiểu số và nhiều dân tộc thiểu số sẽ có đại biểu tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước sắp tới.
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu là người ngoài Ðảng từ 25 đến 50 người trong tổng số 500 đại biểu. Tính đến thời điểm này, trong số 866 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV có 74 người ngoài Đảng. Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, dự kiến cơ cấu đại biểu khóa XV như vậy góp phần tăng tính dân chủ trong cơ quan dân cử. Người ngoài Đảng mà thực sự có tâm huyết, trí tuệ, sẵn sàng cống hiến, vì nước, vì dân, đều xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân và sẽ có những đóng góp rất lớn cho đất nước.
Trong cơ cấu kết hợp chung của cả nước, ứng cử viên nữ có 393 người, chiếm 45,28%, tăng 6,31% so với khóa XIV. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong bốn kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội gần đây. Riêng với khối Trung ương đạt gần gấp đôi so với khóa XIV. Việc bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, con số 45,28% người ứng cử là nữ là một tín hiệu khả quan để chúng ta tin tưởng vào cuộc bầu cử tới đây sẽ đạt được kết quả về tỷ lệ nữ đã đề ra.
Từ nguồn nhân sự đã qua nhiều vòng thẩm định để cử tri lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng trong các cơ quan dân cử vào ngày 23/5 tới sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc nhất để hoạt động của Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-20206 tiếp tục có những đổi mới, hoạt động hiệu quả, vì dân.
Đặc biệt, công tác chuẩn bị bầu cử được tiến hành trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua 2 đợt giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho thấy, mặc dù các địa phương đã chủ động phòng, chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương, nhưng để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đòi hỏi các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương cần đề cao tinh thần phòng, chống dịch. Đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế, góp phần tổ chức cuộc bầu cử thành công – Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết.
Điểm tựa để vươn xa
Cờ Đảng, cờ Tổ quốc tung bay trên đường Thanh Niên (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Được xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp. Đại hội xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho 5 năm, 10 năm tới, mà còn hướng tới năm 2045, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội ghi một dấu mốc quan trọng trên con đường đi tới của dân tộc Việt Nam, thể hiện tầm nhìn của Đảng, khát vọng của toàn dân. Chính vì vậy, nhiệm kỳ khóa XV sẽ ghi dấu một chặng đường hết sức có ý nghĩa, mang tính bản lề trong tiến trình phát triển của Quốc hội, góp phần quan trọng hiện thực hóa khát vọng vươn tới của cả dân tộc.
Nhấn mạnh về tính chất đặc biệt của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang phân tích: Kỳ bầu cử được tiến hành sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đại hội được giới nghiên cứu đánh giá là đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ thời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất tất cả các thế và lực đã tích lũy được để có thể phát triển đột phá.
Theo ông Vũ Minh Giang, vai trò của Quốc hội là tìm chọn, chuẩn y và bầu ra những gương mặt xứng tầm để lãnh đạo đất nước trong thời kỳ lịch sử hết sức quan trọng ấy. Quốc hội không chỉ đóng vai trò hoạch định chính sách, bổ sung điều luật hay ban hành những quy chế ở tầm quốc gia, mà còn là cơ quan giám sát hữu hiệu và sắc bén. Trong bối cảnh ấy, những đại biểu Quốc hội được chọn trong kỳ bầu cử này cũng sẽ có những đòi hỏi đặc biệt hơn. “Mỗi một kỳ bầu cử đều có ý nghĩa quan trọng và đợt bầu cử Quốc hội khóa XV sẽ đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đất nước đã tạo đủ thế và lực để thực hiện khát vọng của cả dân tộc là hướng đất nước trở thành một quốc gia phồn vinh”, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Minh Giang nói.
Đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc bầu cử, ông Giang đánh giá: “Bầu cử Quốc hội khóa XV thành công cũng chính là thời cơ để chúng ta thực hiện một cách tương đối trọn vẹn lời hứa với toàn dân khi chúng ta giành được chính quyền, ghi lên Quốc hiệu 3 tiêu ngữ: Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”.
Về nhiệm vụ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường đánh giá từ nay đến năm 2045, con số được tính bằng thập kỷ nhưng đối với hoạt động của đại biểu dân cử sẽ được tính bằng 5 nhiệm kỳ hoạt động. Để thực hiện được những mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước như kỳ vọng đã được Đảng xác định, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ là rất lớn và phải bắt đầu ngay từ nhiệm kỳ hiện tại.
Nhiệm vụ trước hết của mỗi đại biểu Quốc hội là thực hiện chức năng đại diện cho Nhân dân và cử tri tại địa phương bầu ra mình và của cả nước. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là thực hiện đúng, thực hiện tốt trách nhiệm gắn bó mật thiết và giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, định kỳ tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh trung thực, kịp thời với Quốc hội; tiếp nhận, nghiên cứu, phối hợp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, báo cáo cử tri về hoạt động đại biểu của mình và chịu sự giám sát của cử tri.
Ngoài ra, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghị trường của mình để cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia cùng với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và các vấn đề an sinh xã hội cho Nhân dân.
Nhìn lại nhiệm kỳ khóa XIV, hoạt động của Quốc hội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực từ lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước đến ngoại giao nghị viện, góp phần đưa đất nước vững bước vượt qua khó khăn, tạo ra những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, đóng góp lớn vào những thành tựu vô cùng ý nghĩa của công cuộc gần 35 năm đổi mới, làm giàu thêm truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội. Truyền thống quý báu ấy chính là nền tảng quan trọng, vững chắc để Quốc hội khóa XV và Quốc hội các khóa tiếp theo tiếp tục kế thừa, phát huy, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đổi mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tâm thế sẵn sàng
Cụm pano tuyên truyền cho ngày bầu cử trên đường Điện Biên Phủ (Hà Nội). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, đến thời điểm hiện nay, công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, với cấp độ bảo vệ cao nhất, sẵn sàng bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Xác định rõ: “Bảo đảm an ninh, trật tự là yêu cầu nghiêm ngặt nhất, chủ động phòng ngừa là chính”, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng Quân đội, Y tế chủ động xây dựng và bố trí thế trận bảo đảm an ninh, an toàn, y tế tại các khu vực bỏ phiếu, đối với từng hòm phiếu; phối hợp xác minh hàng trăm nghìn nhân sự, không để các phần tử xấu lọt vào các Tổ bầu cử; rà soát, phát hiện, kiến nghị loại trừ từ sớm các nguyên nhân, điều kiện có thể dẫn đến sơ suất trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Công an các địa phương đã xây dựng các phương án bố trí lực lượng, phân công nhiệm vụ cán bộ Công an bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bỏ phiếu, thùng phiếu; phương án bảo đảm an ninh, trật tự, điều tiết phân luồng giao thông, phòng, chống cháy nổ…; chủ động phương án bảo đảm an ninh, trật tự trong tình huống dịch COVID-19 lây lan.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm việc triển khai các bước trong công tác chuẩn bị bầu cử không bị gián đoạn khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Nhấn mạnh việc tổ chức bầu cử phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường cho biết hiện, một số địa phương đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng chống dịch, đảm bảo an toàn. Cụ thể như Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế. Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là “điểm bỏ phiếu phụ” (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Vì vậy, Ủy ban Bầu cử thành phố đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề, nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều hiện có hơn 3.400 người cách ly. Khi kiểm tra việc cách ly và chuẩn bị bầu cử tại đây, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã yêu cầu huyện Thanh Trì bố trí tại đây 2 thùng phiếu lưu động để cán bộ, y bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại đây vẫn được thực hiện đầy đủ quyền bầu cử. Đồng thời, Ủy ban Bầu cử thành phố có hướng dẫn chi tiết về việc tổ chức bầu cử giãn tiến độ cử tri đi bầu, phân theo khu vực, phân theo giờ để bảo đảm phòng, chống dịch.
Đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử, Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức. Nếu địa điểm bỏ phiếu đang thực hiện giãn cách xã hội, sẽ xử lý khử khuẩn phiếu bầu và thùng phiếu, đảm bảo giữ khoảng cách 2m giữa những người tham dự; bố trí thời gian bỏ phiếu và phân luồng từ xa phù hợp cho cử tri từng khu vực, điểm dân cư. Riêng trường hợp tổ chức cho cử tri đang cách ly tại nhà tiến hành bỏ phiếu, phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần. Sau khi bàn giao thùng phiếu phải sát khuẩn, vệ sinh cá nhân trước khi rời khỏi khu vực bỏ phiếu, tự cách ly 14 ngày tại nhà.
Tỉnh Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người. Tại mỗi điểm bầu cử, khu bỏ phiếu đều phải có đầy đủ điều kiện phòng dịch như sát khuẩn, giữ khoảng cách, đo thân nhiệt cử tri, yêu cầu phải đeo khẩu trang y tế, đặt vị trí thùng phiếu đúng khoảng cách an toàn để bảo đảm khoảng cách an toàn cho cử tri khi ghi phiếu, bỏ phiếu và trong lúc đứng chờ bỏ phiếu. Với khu vực “cách ly nhà với nhà” sẽ thực hiện mang thùng phiếu phụ đến từng nhà để cử tri thực hiện quyền bỏ phiếu. Đối với các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly tập trung, tỉnh sẽ điều chỉnh danh sách cử tri về nơi cử tri đang thực hiện cách ly hoặc điều trị COVID-19 để họ thực hiện quyền bầu cử…
Tới thời điểm này, mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, bảo đảm an toàn, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, để Ngày Bầu cử 23/5/2021 diễn ra dân chủ, công khai, minh bạch, đúng trình tự pháp luật, nhằm phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân.
https://baotintuc.vn/thoi-su/trao-gui-niem-tin-va-uoc-vong-bai-cuoi-nen-tang-de-but-pha-20210520205007672.htm
Ý kiến ()