Tất cả chuyên mục

Sáng nay, 8/7/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, triển khai Kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông và vụ Mùa 2021 tại các tỉnh, thành Nam bộ. Đến dự có Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Nguyễn Thanh Truyền chủ trì tại điểm cầu tỉnh Long An.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2021 mùa mưa đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước nên sản xuất vụ Hè Thu 2021 tương đối thuận lợi cho việc xuống giống. Vụ Hè Thu 2021, toàn vùng Nam bộ xuống giống gần 1,6 triệu ha, giảm 11 ngàn ha, năng suất ước đạt 56,5 tạ/ha, tăng 1,4 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 9 triệu tấn, tăng 20 ngàn tấn so với Hè Thu 2020.
Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 9 ngàn ha. Diện tích tích lúa vụ Hè Thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi tồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn và nhu cầu nguồn nước tưới ít hơn so với trồng lúa.
Đối với cây ăn trái, hiện nay các đối tượng cây trồng chủ lực của vùng Nam bộ như: sầu riêng, xoài, nhẵn, chanh, bưởi, cam, mít, thanh long,…được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Tuy nhiên, trong năm 2020, 5 loại trái cây (thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài) tại Nam bộ gặp khó khăn về tiêu thụ do đại dịch Covid-19.
Tại Long An, vụ Hè Thu 2021 toàn tỉnh đã gieo sạ khoảng 218 ngàn ha, tập trung chủ yếu vào tháng 4 và tháng 5. Đến nay, lúa Hè Thu 2021 đã thu hoạch trên 40.310 ha, năng suất khô ước đạt 55,9 tạ/ha, sản lượng hơn 225 ngàn tấn.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc triển khai thực hiện vụ Hè Thu 2021 của các địa phương. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vụ mùa, vụ Thu Đông 2021. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất; nhân rộng các mô hình gieo trồng mới, hiệu quả. Chủ động bám sát đồng ruộng để dự tính, dự báo chính xác tình hình sâu, bệnh hại để khuyến cáo các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo, rải vụ thu hoạch 5 loại trái cây ăn trái chủ lực và mở rộng sang một số cây ăn trái có tiềm năng…
Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh việc sử dụng các giống lúa xác nhận, mở rộng cánh đồng lớn, tăng cường với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo, nông sản. Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, chất lượng nguồn nước, mực nước lũ để chủ động trong sản xuất.
Quế Quyên – Xuân Quốc
Ý kiến ()