Tất cả chuyên mục

Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng đất bưng phèn Đồng Tháp Mười, long An hàng ngàn hécta tràm gió, một sản phẩm dược liệu, hương liệu thiên nhiên nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng trong nước, những sản phẩm chiết xuất từ tràm gió còn được xuất khẩu sang châu Âu.
Các nhà khoa học và doanh nghiệp đã trở lại với cây tràm gió vốn có của vùng Đồng Tháp Mười
Cùng với quá trình khai phá Đồng Tháp Mười, người dân nơi đây đã biết khai thác tinh dầu tràm theo cách nấu thủ công, cho ra những giọt dầu tự nhiên để điều trị hay phòng ngừa nhiều loại bệnh: từ phong hàn, cảm mạo, đến các bệnh lý ngoài da, bệnh xương khớp. Ngày ấy, tinh dầu tràm được xem như dược liệu dân dã, gần gũi của người nghèo. Và cho đến bây giờ, dù có bao nhiêu loại tân dược đắt tiền, thì tinh dầu tràm vẫn được người dân cả nước ưu chuộng. Không những thế, nó còn được xếp vào hàng đặc biệt, là tinh dầu quý với giá trị cao về cả dược tính và hiệu quả kinh tế.
Mặc dù có một “kho báu” thảo dược quý giá đến thế nhưng tràm gió Long An vẫn là tiềm năng còn ngủ quên. Chính cố dược sĩ Nguyễn Văn Bé là người đầu tiên tâm huyết tìm cách phát triển loại dược liệu này theo 2 hướng: vừa bảo tồn vừa phát huy gía trị kinh tế. Cùng chung trăn trở đó, anh Nguyễn Quốc Vũ, một doanh nhân trẻ đã ấp ủ dự án làm kinh tế dưới tán rừng tràm Đồng Tháp Mười, bằng cách ứng dụng công nghệ cao sản xuất tin dầu tràm, biến món quà mà thiên nhiên ban tặng thành hàng hóa có giá trị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (trái) và Anh Nguyễn Quốc Vũ – CEO Cty TNHH Thương mại sản xuất Pure (giữa) tại Thạnh Hóa, nơi được xem là có diện tích rừng tràm gió rất lớn trước đây
Anh Nguyễn Quốc Vũ – CEO Cty TNHH Thương mại sản xuất Pure chia sẻ: “Mình đã về đây và đã khảo sát trong vòng 2,3 tháng. Mình thấy cây tràm ở đây rất là nhiều, mình muốn đầu tư và phát triển đúng trên vùng đất tràm. 1 là giải quyết công ăn việc làm, 2 là đưa cây tràm vào là đặc sản tỉnh Long An và mang đến giá trị kinh tế cho toàn tỉnh’”
Nói về triển vọng của cây tràm nói riếng và ngành tinh dầu của tỉnh nói chung, tiến sĩ Nguyễn Văn Minh – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển vùng này về tinh dầu, tôi thấy điều đó rất vui mừng khi họ dám mạnh dạn đầu tư vào đây. Nếu chúng ta tận dụng được vùng này, khai thác dược liệu vì cây tinh dầu (nhất là cây tràm) nó thích nghi với vùng đất phèn, đất trũng như LA rất tốt. Cùng một diện tích trồng cây tinh dầu có giá trị gấp 5-10 lần cây lúa”
Tràm gió, giống tràm cho nhiều tinh dầu rất thích nghi với vùng đất phèn trũng của Đồng Tháp Mười
Hiện tại, nhiều người dân tận dụng rừng tràm gió mọc hoang để hái bán, cung cấp nguyên liệu cho công ty sản xuất tinh dầu tràm chạy thử nghiệm. Nhờ chịu khó, mỗi ngày vợ chồng anh Nguyễn Xuân Mơ thu hái được 700kg lá tràm, kiếm thu nhập 350 ngàn đồng/người/ngày.
Trong tương lai người dân có điều kiện làm giàu ngay dưới tán rừng tràm
Anh Nguyễn Xuân Mơ – huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, người lao động tự do nay chuyển sang nghề cắt lá tràm rừng bán cho nhà máy,cho biết: “Cũng tình cờ, gặp bảng tìm người làm. Vô gặp giám đốc, ảnh chỉ dẫn cho công việc làm, công việc cắt lá tràm tuy hơi cực nhưng thu nhập ổn định. Mình khai thác ở đây là tràm rừng, tràm thiên nhiên của mình”
Khi đi vào hoạt động chính thức, mỗi ngày công ty cần đến khoảng 20 tấn nguyên liệu lá tràm để chiếc xuất tinh dầu. Vì vậy, công ty đang lên kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương phát triển vùng nguyên liệu rộng lớn trong dân.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh – Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết thêm: “Muốn phát triển mạnh ngành tinh dầu thì phải có sự đồng hành của địa phương. Như phải quy hoạch những khu chuyên canh về cây dược liệu và tinh dầu. Vì hiện nay, nhu cầu tinh dầu của thế giới là rất cao. Tôi nghĩ không phải trên thế giới mà trong nước cũng cần rất nhiều tinh dầu. Nếu chúng ta đáp ứng được hàng năm chừng 5.000 tấn tinh dầu tràm thôi thì chúng ta sẽ thu được rất nhiều ngoại tệ, đời sống kinh tế người dân từ đó sẽ phát triển mạnh hơn”
Rõ ràng triển vọng tinh dầu tràm là rất lớn, nó không chỉ đánh thức tiềm năng, khôi phục, bảo tồn và phát triển cây tràm dược liệu, vốn là lợi thế của địa phương mà còn giúp người dân làm giàu ngay dưới tán rừng tràm; đồng thời khai thác và phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù của vùng bưng phèn Đồng Tháp Mười, Long An.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()