Mục tiêu này được đưa ra dựa trên những bài học có được từ 30 năm đổi mới, phù hợp với bối cảnh và tình hình quốc tế mới.
5 năm qua, bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, phức tạp và khó lường. Thực hiện tư duy đối ngoại đề ra từ Đại hội XI của Đảng, Việt Nam đã “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân.
Kết quả nổi bật của hoạt động đối ngoại trong 5 năm qua là đã hoàn thành việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác với hầu hết các nước có ảnh hưởng lớn ở khu vực và trên thế giới.
Chúng ta đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược với 8 nước, nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện hoặc sâu rộng với 2 nước, lập quan hệ đối tác toàn diện với 3 nước…
Đặc biệt, 5 năm qua, Việt Nam đã hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, hoàn thành 3 Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu và Liên hiệp châu Âu.
Đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam đã tích cực triển khai các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC…
Tháng 10/2015, Việt Nam cùng với các nước thành viên đã kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đối với các vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, chúng ta cũng có nhiều chủ trương, giải pháp xử lý, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế ủng hộ.
Những thành quả trên có được là nhờ chúng ta đã kiên định mục tiêu đối ngoại “vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh”.
Mục tiêu này sẽ được tiếp nối trong nhiệm kỳ khóa XII trên cơ sở cao hơn. Tại cuộc gặp với các đoàn ngoại giao trước Đại hội XII của Đảng, ông Hoàng Bình Quân – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Đảng cho biết: “Về chủ trương, đường lối đối ngoại, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: mục tiêu của đối ngoại là bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vứng môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước”.
“Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc” vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu đặt ra đối với công tác đối ngoại trong 5 năm tới.
Ông Bùi Hồng Phúc, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc rất ấn tượng với mệnh đề này. Theo ông, Dự thảo văn kiện Đại hội XII đã nêu ra một vấn đề hết sức sâu sắc, hết sức có ý nghĩa. Quan điểm này thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề dân tộc và rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
“Đất nước chúng ta đang đứng trước 2 nhiệm vụ rất lớn, mang tính chiến lược. Đó là phải phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Mặt thứ hai là chúng ta phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước trong tình hình Biển Đông rất phức tạp, khó lường. Tôi cho rằng, chúng ta đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết chính là vì hiện nay, tất cả các nước trên thế giới, từ lớn đến nhỏ, từ nhỏ đến lớn đều đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…đều hành động như vậy. Đó cũng là bài học mà Đảng ta đã rút ra từ 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới”, ông Bùi Hồng Phúc nói.
Trong bối cảnh hòa bình, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều quốc gia trên thế giới đang bị đe dọa, một lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại chung của chúng ta, đó là hợp tác quốc phòng. Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng – Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế về quốc phòng cho biết: Đối ngoại quốc phòng của chúng ta cũng thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế”.
Việt Nam chủ trương hợp tác quốc phòng – quân sự với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống, đặc biệt là các nước trong Hiệp hội ASEAN.
Một trong các nguyên tắc của chúng ta là độc lập, tự chủ, quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, không đi với nước này để chống lại nước khác.
Chúng ta hợp tác để nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng, chính nghĩa của mình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế – chính trị – an ninh, trong đó có chủ quyền lãnh thổ và độc lập dân tộc.
Và chủ trương này sẽ tiếp tục được thực hiện trong những năm tới. Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng nói: “Chúng ta hợp tác để tăng cường năng lực quốc phòng – quân sự để chúng ta tự bảo vệ chủ quyền, độc lập và lãnh thổ của mình, trên nguyên tắc là giữ được môi trường hòa bình, đảm bảo cho hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, cũng đồng thời đóng góp cho môi trường hòa bình chung ở khu vực, tạo ra một khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng và tất cả các nước đều hưởng lợi”.
Với chủ trương hợp tác đúng đắn của mình, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, bảo vệ an ninh Tổ quốc./.
Ý kiến ()