Chủ Nhật, 12/01/2025 02:06 (GMT +7)

Ứng cử viên chất lượng mới có đại biểu đủ tầm

Thứ 2, 07/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 13/3 tới đây là thời hạn cuối cùng mà người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 phải hoàn tất nộp hồ sơ ứng cử.

Thông qua đó, các cấp MTTQ Việt Nam sẽ lập một danh sách hiệp thương ứng cử viên đủ điều kiện tham gia. Việc giới thiệu ứng viên đại biểu Quốc hội và tự ứng cử để có cơ hội vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là một khâu hết sức quan trọng. Bởi muốn có một Quốc hội mạnh thì trước hết phải có những đại biểu Quốc hội đủ tâm, đủ tầm trí tuệ để bàn việc nước, việc dân. Muốn có những đại biểu tâm huyết, vì dân thì đầu tiên phải có nhiều ứng cử viên chất lượng để cử tri lựa chọn.

ung cu vien chat luong moi co dai bieu du tam hinh 0
Hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đối với các cơ quan tổ chức, đơn vị ở Trung ương.

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã đi được gần nửa chặng đường. Không khí sôi nổi đón chào ngày hội lớn của toàn dân đang lan tỏa khắp nơi. Mọi hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử cũng đang được khẩn trương triển khai từ trung ương tới cơ sở.

Đến thời điểm này, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tiến hành 3 phiên họp. Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thỏa thuận xong cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội nhiệm kỳ tới sẽ có 500 đại biểu, trong đó có 198 đại biểu trung ương và 302 đại biểu địa phương. Trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội chiếm nhiều nhất, gồm 114 đại biểu, tăng 15 người so với Quốc hội khóa 13 để bổ sung thêm số lượng đại biểu chuyên trách; tiếp đến là các cơ quan Chính phủ và trực thuộc 18 đại biểu, Bộ Quốc phòng 15 và các cơ quan Đảng là 11 đại biểu…

Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng đã ra Nghị quyết, chốt danh sách 184 đơn vị bầu cử trong cả nước và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo Nghị quyết này thì Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh vẫn là nơi được phân bổ nhiều nhất, mỗi thành phố có 30 đại biểu được bầu.

Để thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, ngay từ đầu tháng 1, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho cuộc bầu cử lần này được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và an toàn, tiết kiệm.

Đặc biệt coi trọng đến chất lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và hơn hết là có năng lực, điều kiện để thực hiện tốt trọng trách mà cửi tri và nhân dân giao phó.

Đồng thời, không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, gần 2 tháng qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan từ Trung ương đến địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai công tác chuẩn bị bầu cử theo đúng tiến trình đã định.

Tại các hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ Việt Nam các cấp đã dành thời gian thảo luận sôi nổi, dân chủ bàn bạc để lựa chọn, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn làm ứng cử viên, nhằm đảm bảo cả số lượng, chất lượng, nhưng vẫn thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết dân tộc.

Các cấp MTTQ Việt Nam cũng đang nhanh chóng triển khai các công việc tiếp theo để đến ngày 17/3, kịp tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thảo luận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và cơ quan quyền lực địa phương.

Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia thì đến nay, cả nước đã có 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Số lượng người tự ứng cử chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó, vì còn một tuần nữa mới đến thời hạn chót nộp hồ sơ là ngày 13/3.

Số người tự ứng cử ngày càng tăng đang thể hiện tính dân chủ ngày càng cao trong cuộc đua vào cơ quan quyền lực Nhà nước; đồng thời đã phát huy được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm công dân trong việc cùng nhau góp sức, góp công xây dựng và hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền.

Người tự ứng cử vào Quốc hội ngày càng đông là tín hiệu rất đáng mừng, bởi càng có nhiều người hơn tham gia tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội thì cử tri càng có thêm sự lựa chọn tìm ra đúng người đủ đức, đủ tài để bàn việc dân, việc nước. Đồng thời, càng có thêm điều kiện để cử tri gửi gắm được niềm tin vào những người xứng đáng đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình./.

Sông Thao/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu