Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 14/01/2025 01:22 (GMT +7)
Ứng dụng công nghệ cao trên cây rau
Thứ 3, 19/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Chiều ngày 18/7/2016, ông Lê Văn Hoàng-Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các ngành của Sở đã có buổi làm việc với UBND huyện Cần Đước nhằm đánh giá thực trạng của cây rau và thống nhất những nội dung cần thực hiện trong quá trình triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Là huyện có diện tích trồng rau lớn của tỉnh, Cần Đước đã và đang duy trì, phát triển số lượng và đa dạng về chủng loại rau cung cấp phong phú cho thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Toàn huyện Cần Đước có trên 618 hecta rau màu tập trung ở 6 xã Long Hòa, Long Khê, Long Trạch, Tân Trạch, Long Cang và Phước Vân, chủ yếu là rau ăn lá chiếm trên 80% diện tích, còn lại là rau ăn trái và rau gia vị. Trong đó,có trên 200hecta nông dân trồng rau theo hướng an toàn sinh học. Đa số những diện tích này của bà con xã viên trong các tổ hợp tác và hợp tác xã.
Trồng rau an toàn trong nhà kính. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, do khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nên một số hợp tác xã hoạt động cầm chừng. Mặc khác, để mở rộng diện tích trồng rau, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và Trạm bảo vệ thực vật, Trạm khuyến nông Cần Đước phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, xây dựng các mô hình trồng rau sử dụng phân hữu cơ nhằm hướng đến quy trình sản xuất sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.
Ông Lê Văn Hoàng-Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị huyện Cần Đước tập trung củng cố các hợp tác xã rau an toàn hoạt động tốt hơn để làm cơ sở cho tỉnh hổ trợ các điều kiện cần thiết, chuyển giao khoa học kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất VietGap và tìm đầu ra cho cây rau. Cần Đước là một trong 4 huyện, thành phố của tỉnh thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, huyện Cần Đước cần chú trọng quy hoạch vùng sản xuất rau, khuyến khích việc hình thành và mở rộng diện tích. Đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, qua đó nâng cao chất lượng, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.
Cẩm Tú-Hồng Phong (Đài TT Cần Đước)
Ý kiến ()