Thứ Tư, 04/12/2024 00:32 (GMT +7)

Vang danh trống Bình An

Thứ 5, 29/06/2023 | 20:49:29 [GMT +7] A  A

Trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) nổi tiếng khắp miền Nam, miền Trung bởi sự uy tín và chất lượng của sản phẩm. Không dừng lại ở việc phục vụ thị trường trong nước, trống Bình An còn xuất khẩu đến các nước như Úc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Campuchia, Hàn Quốc...

Gỗ dùng để làm tang trống đa phần là các loại gỗ mít, gỗ sao

Người khai sinh ra làng trống Bình An là ông Nguyễn Văn Ty. Thời đó, ông Ty làm nghề buôn bán trên sông từ Long An sang các tỉnh miền Tây.

Một lần, khi xuôi ghe trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút, ông thấy trên bờ có một nông dân đang bịt trống. Thấy lạ, ông ghé vào xem. Không ngờ nghề bịt trống lại khiến ông say mê và quyết chí theo học.

Sau hơn một năm, ông đã nắm bắt toàn bộ bí quyết nghề làm trống rồi truyền dạy lại cho dân làng Bình An. Đến nay, làng trống Bình An đã 170 năm hình thành và phát triển.

Trống Bình An nổi tiếng khắp miền Nam, miền Trung bởi sự uy tín và chất lượng của sản phẩm. Để làm được một chiếc trống, người thợ phải qua hơn 20 công đoạn bằng phương pháp thủ công. Gỗ làm trống là gỗ sao hoặc gỗ mít được phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Người thợ trống phải khéo léo dùng tay ghép mạnh từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở. Khó nhất trong các công đoạn làm trống là là bịt da. Da phải là da lấy từ con trâu vừa làm thịt xong, đem về căng rồi phơi khô. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, trước khi bịt da phải được bào thật kỹ. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng Bình An.

Công đoạn xử lý da trâu làm mặt trống là một trong những khâu rất quan trọng...

Trống Bình An bền, đẹp, đa dạng mẫu mã và âm thanh vang vọng, trầm bổng. Tùy từng loại trống mà các nghệ nhân có cách làm da và bịt khác nhau như trống lân thì làm da dày và bịt thẳng để kêu bong tiếng. Trống nhạc lễ được thiết kế khi đánh lên nghe tiếng âm dương, cao thấp, rồi trống trường, trống đình, chùa… mỗi loại đều có âm thanh riêng biệt.

Da trâu thường phải phơi khô, xử lý trước khi sử dụng

Tại cơ sở làm trống Năm Mến, anh Nguyễn Văn An cùng những người thợ đang khẩn trương hoàn thành chiếc trống dài hơn 2 mét. Anh là đời thứ năm làm trống của dòng họ Nguyễn ở làng Bình An. Tay cầm dùi thử trống mới làm xong, anh An chia sẻ nhiều điều thú vị về nghề làm trống nơi đây: “Làng trống Bình An có 22 cơ sở, đây là nghề cha truyền con nối, các nghệ nhân đều là những người trong dòng họ Nguyễn. Mỗi năm, cơ sở trống của gia đình sản xuất được 200 cái, không dám nhận đơn hàng nhiều vì làm không xuể”.

Các công đoạn gắn da trâu vào tang trống để làm mặt, cắt bỏ phần da thừa và ghép thùng trống

Các công đoạn làm trống hầu hết đều là thủ công và đòi hỏi thật tỉ mỉ, tay nghề cao

Hầu hết trống ở các đình, chùa, trường học, đoàn lân… khắp các tỉnh thành phía Nam đều do làng trống Bình An cung cấp. Không dừng lại ở thị trường trong nước, các cơ sở ở Bình An còn mang trống đi “xuất ngoại” đến các nước như Úc, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Campuchia, Hàn Quốc… Trống Bình An có giá cao nhưng lại rất “hút” khách hàng. Tùy từng loại trống mà có giá từ 800 nghìn đồng trở lên đến 150 triệu đồng.

Một số loại trống thành phẩm của làng trống Bình An

Ông Nguyễn Hồng Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Lãng cho biết: “Để làng nghề có thương hiệu mạnh trên thị trường, năm 2013, chúng tôi đã đang ký thương hiệu độc quyền cho trống Bình An nhằm đẩy mạnh quy mô sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu”./.

Bài: Ri Cơn -  Ảnh: Lê Minh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu