Thứ Sáu, 24/01/2025 18:32 (GMT +7)

Về thăm lại Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính- Kháng chiến Nam bộ xưa

Thứ 2, 20/04/2020 | 09:25:00 [GMT +7] A  A

Khu Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính- Kháng chiến Nam bộ, tại xã Nhơn Hòa Lập có một vị trí rất quan trọng, một điểm căn cứ Đồng Tháp Mười, trên tuyến kinh Dương Văn Dương đã đi vào lịch sử.

Xã Nhơn Hòa Lập là địa bàn đóng quân của các cơ quan đầu não cấp xứ, khu, tỉnh và huyện. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Phạm Văn Bạch… từng sống và làm việc tại đây để lãnh đạo cuộc cách mạng miền Nam.

Một góc khu Di tích Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính – Kháng chiến Nam bộ. Ảnh: baolongan.vn

Cùng các chú trong Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập đến thăm lại những nơi quân và dân ta từng sống, chiến đấu, chúng tôi cảm nhận được sự vượt qua khó khăn, cùng chung tay, góp sức để có một cuộc sống thanh bình, no ấm như hôm nay. Đó là những hàng cây xanh mướt thẳng tắp ven đường, những con đường bê tông uốn lượn cặp sông kinh Dương Văn Dương, đường vào từng xóm, ấp; những ngôi nhà tường, mái đỏ được xây, cùng với đầy đủ phương tiện sinh hoạt;… không khác gì thành thị.

Nhìn cảnh người dân đang gặt hái những bó lúa vàng nặng trĩu, ông Nguyện Kim Quy – cán bộ Hội cựu chiến binh xã, cho biết, trước đây Nhơn Hòa Lập là một trong những vùng đất gian khổ, khốc liệt ở bưng biền Đồng Tháp Mười – nửa năm nắng hạn, nửa mùa nước dâng. Kẻ thù dùng bom đạn, phi pháo, tàu chiến, xe tăng, chất độc hóa học, hòng tiêu diệt tận gốc cộng sản và nhân dân Cách mạng. Từng gia đình, từng xóm ấp phải trải qua hàng chục lần bị tàn phá. Nhưng ý Đảng, lòng dân đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã tạo động lực để đồng bào nơi đây vượt qua bất cứ trở lực nào.

Tại đây, từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc và nhiều trận đánh làm kinh hồn, khiếp vía bọn thực dân xâm lược, mà điển hình là trận đánh Mộc Hóa (8/1947), trận Tháp Mười (6/1949), gắn liền với những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307, Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 120, Trung đoàn 105.

Trải qua 2 thời thời kỳ kháng chiến, Nhơn Hòa Lập có 23 mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó có 1 mẹ hiện còn sống); 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 63 thương binh, 11 bệnh binh, 84 liệt sĩ và hơn 320 gia đình người có công. Năm 2000, xã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.

Đặc biệt, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau tôn vinh, kế thừa, phát huy hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Nhơn Hòa Lập đã được Trung ương đầu tư xây dựng Khu Công trình Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính – Kháng chiến Nam Bộ. Đây là một trong những công trình trọng điểm về văn hóa – lịch sử của tỉnh Long An.

Di tích rộng trên 3 hécta, với 25 hạng mục công trình; trong đó, tiêu biểu là gian nhà trưng bày quá trình hoạt động phong trào kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ và 6 ngôi nhà phục dựng. Tại đây, ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, đã ghi vào sổ lưu niệm: “Địa chỉ văn hóa lịch sử Tân Thạnh – Căn cứ Xứ ủy – Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ (1946 – 1949) đã đóng vai trò lịch sử oanh liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã để lại một di sản lịch sử không bao giờ phai mờ trong lòng dân tộc luôn không khuất phục mọi thế lực ngoại xâm, đứng lên đấu tranh giành quyền sống, quyền độc lập, tự do của dân tộc. Đảng, Tổ quốc, nhân dân mãi mãi ghi nhớ những người đã khai sinh ra Xứ ủy – Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ (1946 – 1949)”.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, xã Nhơn Hòa Lập từ một vùng văn hóa nông nghiệp lúa một vụ nghèo nàn lạc hậu, nay trở thành xã trọng điểm sản xuất lương thực, phát triển nông nghiệp của huyện Tân Thạnh. Theo ông Võ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập, chỉ tính 5 năm gần đây, hàng năm diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực trên địa bàn xã đạt và vượt chỉ tiêu; chăn nuôi phát triển ổn định, công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường. Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi luôn được chú trọng, các mô hình nuôi bò vỗ béo, nuôi cá lóc,… mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nông dân còn phát triển một số mô hình nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch, mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang trồng mít và một số loại cây ăn trái có hiệu quả khác. Qua đó, góp phần tăng thu nhập bình quân cho người dân hơn 60 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, xã Nhơn Hòa Lập được tỉnh, huyện, nhân dân và các mạnh thường quân quan tâm đầu tư, đóng góp xây dựng nhiều công trình mang tính chất phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Các công trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đã góp phần nâng dần điều kiện sinh hoạt của người dân lên.

Hiện tỉ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đạt 98%; việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cơ bản được đảm bảo; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh 98,63%; hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được hoàn thiện, hiện đại hóa. Từ đó, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc, đường làng ngõ xóm được đầu tư khang trang.

Toàn xã có 2 trường học trường Mầm Non và trường tiểu học- trung học cơ sở. Hàng năm xã đều thực hiện tốt công tác giáo dục phổ cập xóa mù chữ cho các trẻ em, học sinh trên địa bàn với tỉ lệ hơn 98%. Hoạt động của trạm y tế không ngừng được kiện toàn và nâng cao. Công tác khám chữa bệnh ngày càng được chú trọng, cung ứng đa dạng về chủng loại, chất lượng, đã tạo được niềm tin thu hút người dân đến khám, chữa bệnh nhiều hơn.

“Nhơn Hòa Lập hôm nay không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà đời sống của người dân được cải thiện toàn diện. Trường học, trạm y tế, hệ thống đường giao thông, điện, nước được đầu tư theo tiêu chuẩn nông thôn mới, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân”- ông Trần Thanh Bảy, nông dân xã Nhơn Hòa Lập, vui mừng, cho biết.

Về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách và đảm bảo an sinh xã hội, UBND xã luôn tập trung thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, chương trình, dự án tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Qua đó, công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được kết quả cao, tỷ lệ hộ nghèo đều giảm qua các năm… Các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời; thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc, giúp đỡ người nghèo, trẻ em, người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;…

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, kiên cường phát triển kinh tế trong bình, ông Võ Văn Điền, Chủ tịch xã Nhơn Hòa Lập, cho biết, xã tập trung giữ ổn định tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tiếp tục chủ động theo dõi, thông tin kịp thời về thời tiết, khí hậu, thủy văn; chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là tình hình hạn hán, lũ lụt và xâm nhập mặn.

Xã triển khai, hướng dẫn thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp tục nhân rộng việc xây dựng các “cánh đồng lớn”; củng cố, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thực hiện rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm nông nghiệp gắn với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

“Nhân dân xã Nhơn Hòa Lập, con cháu của lớp người đi mở đất khai phá Đồng Tháp Mười mãi mãi tự hào, chung sức cùng địa phương bước vào giai đoạn mới xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó, xã đặt mục xây dựng thành công xã nông thôn mới tiêu trong năm 2025”, ông Võ Văn Điền cho biết thêm.

Theo Thanh Bình (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/ve-tham-lai-can-cu-xu-uy-va-uy-ban-hanh-chinhkhang-chien-nam-bo-xua-20200419182812550.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu