Thứ Năm, 09/01/2025 19:14 (GMT +7)

Vì sao Việt Nam phải nhập khẩu muối?

Thứ 4, 16/08/2023 | 17:45:38 [GMT +7] A  A

Về câu hỏi tại sao ngành muối có tiềm năng vẫn phải nhập khẩu muối, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực hiện cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng vẫn phải nhập khẩu.

Diêm dân xã Nhơn Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) đóng bao muối đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Cả nước có 19 tỉnh sản xuất muối trải dài từ Bắc vào Nam. Phương pháp sản xuất muối gồm: Phơi cát truyền thống với trên 1.000 ha ở 5 tỉnh phía Bắc; phơi nước tập chủ yếu ở 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với trên 3.500 ha; phơi nước phân tán với trên 6.780 ha, chiếm  60% diện tích sản xuất muối cả nước. Hiện có 4 nhóm chính là muối thô, muối tinh, muối công nghiệp và muối thực phẩm. Bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất muối công nghiệp tại 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị, Bộ trưởng cho biết, những giải pháp cụ thể để Việt Nam sử dụng đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề làm muối.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, chúng ta có 21.000 bà con đang liên quan tới nghề muối. “Đúng là "muối mặn, gừng cay", trong nhiều năm dài sự xung đột giữa nuôi trồng thủy sản với ngành nghề muối, mặc dù có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về quy hoạch nghề muối rồi nhưng diện tích làm muối ngày càng thu hẹp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nghề muối phải trở thành một nền kinh tế muối chứ không phải là nghề sản xuất muối, cũng nằm trong một chuỗi ngành hàng nông nghiệp, chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ hạt muối, chế biến muối không phải là một gia vị nữa mà muối phải trở thành một thực phẩm hoặc trở thành dược phẩm, trở thành một mỹ phẩm giống như các quốc gia đang làm và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đi theo hướng đó và rất nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu đã đi theo hướng đó, tức là tạo ra giá trị gia tăng bằng cách đa dạng hóa hạt muối của chúng ta.

Chưa hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề: Hiện nay nhu cầu sử dụng muối của Việt Nam khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm. Mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, Việt Nam là nước có bờ biển dài nhưng vẫn cảm thấy đau lòng khi phải nhập khẩu muối. Từ đó, đại biểu chất vấn Bộ trưởng về những giải pháp cụ thể để Việt Nam sử dụng đủ muối dùng, không phải nhập khẩu và để diêm dân có thể sống bằng nghề của mình.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng mong muốn Thủ tướng Chính phủ có biện pháp giúp đỡ diêm dân nâng cao sản lượng, chất lượng sản xuất muối, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng chuỗi logistics ngành muối để đảm bảo phát triển ngành muối hiệu quả hơn. "Hiện nay, nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Về câu hỏi tại sao ngành muối có tiềm năng vẫn phải nhập khẩu muối, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực hiện cơ chế thị trường, giống như ngành than có tiềm năng nhưng vẫn phải nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ nghiên cứu có giải pháp công nghệ để muối đáp ứng ngành công nghiệp và có giá trị hơn.

Để phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đang xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành hàng muối Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Đề án được thực hiện trên địa bàn của 7 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

Thời gian tới ngành muối cần củng cố, phát triển và thành lập mới hợp tác xã diêm nghiệp; phát triển chế biến, đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm muối. Đồng thời, xây dựng khu sản xuất muối công nghệ cao với các sản phẩm muối tinh, làm đẹp, sản phẩm muối tâm linh, muối sức khỏe kết hợp du lịch trải nghiệm.

Ngành muối cần phát triển liên kết chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm muối; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm muối cho sản phẩm muối của các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia liên kết.

Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu