Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:30 (GMT +7)
Việt Nam lập kỷ lục về Hiệp định thương mại tự do
Thứ 6, 11/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong năm 2015 vừa qua, Việt Nam đã lập được kỷ lục: là quốc gia trong 1 năm đã ký kết được nhiều thoả thuận nhất về Hiệp định thương mại tự do với cả các đối tác phương Đông và phương Tây.
Đó là nội dung trong bài viết của tác giả Anton Tsvetov – Chuyên gia Hội đồng Đối ngoại LB Nga (Cơ quan nghiên cứu chính trị trực thuộc Tổng thống Nga) được trang mạng Lenta.ru (một trong những trang mạng tại Nga có lượng độc giả đông) đăng ngày 10/12.
Công ty TNHH may Tinh Lợi, tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương) đầu tư nhà xưởng, dây chuyền hiện đại, mỗi tháng xuất khẩu hàng triệu sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 8.000 lao động. Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Những Hiệp định này sẽ mang lại gì cho Việt Nam và liệu có nảy sinh mâu thuẫn giữa quy định của các Hiệp định khác nhau mà Việt Nam đã ký kết? Các chuyên gia thuộc Hội đồng Đối ngoại Liên bang Nga đã đưa ra một số đánh giá về vấn đề này như sau:
Ngày 2/12, Liên minh EU và Việt Nam đã ký kết tuyên bố kết thúc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do. Đối với Việt Nam, Hiệp định này trở thành một kết thúc xứng đáng của năm “tự do thương mại”: trong năm 2015, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định tương tự với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc và Hiệp định về đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Giới quan sát đang tranh luận về hiệu quả của những Hiệp định này sẽ mạnh mẽ và tích cực đến đâu, nhưng rõ ràng rằng đây là một chiến lược có logic dựa trên cơ sở chính trị và kinh tế đã được hoạch định.
Đầu tiên là về thoả thuận với EU, vốn được các quan chức châu Âu gọi là một hiệp định thương mại tự do sâu rộng chưa từng có với các quốc gia đang phát triển. Các loại hàng rào thuế quan sẽ được cắt giảm hoặc bãi bỏ với 99% các loại mặt hàng. Đối với ngành xuất khẩu châu Âu thì đó là máy móc, thiết bị, ôtô, phụ tùng ôtô và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.
Còn đối với Việt Nam thì ngành sản xuất quần áo, giày dép sẽ được lợi nhiều nhất. Các bên tính toán rằng Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2018, phần lớn các loại thuế nhập khẩu sẽ được điều chỉnh lại, phần còn lại sẽ được thực hiện dần trong vòng 10 năm.
Tại EU, người ta nhận định rằng Thoả thuận về Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam đóng một vai trò quan trọng, là một bước đệm tiến tới tự do thương mại với cả khối ASEAN. Việt Nam là quốc gia thứ hai, sau Singapore trở thành thành viên của khu vực thương mại tự do với EU.
Việc giảm thuế hiện nay chưa có hiệu lực, do đó, người ta đang quan tâm đến các quy định khác của Hiệp định. Các bên đã thống nhất về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật, các quy định về xuất xứ hàng hoá.
Các công ty của Liên minh châu Âu có thể hợp tác với nhiều cơ quan nhà nước bao gồm: chính quyền của hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện, các Bộ, các Tập đoàn Nhà nước, trong số đó có cả về các dự án cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, Hiệp định cũng được điều chỉnh bằng các dịch vụ và “quy định luật chơi” trong hợp tác với các Tập đoàn nhà nước của Việt Nam. Các quy định của Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam buộc các bên phải tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao hơn so với Hiệp định TRIPS (Hiệp định cơ bản về quyền sở hữu trí tuệ của WTO).
Trong số các thoả thuận về phát triển hợp tác đầu tư thì quan trọng nhất là việc thành lập Cơ quan trọng tài thường trực chuyên giải quyết các tranh chấp đầu tư.
Các nhà đàm phán EU đã đưa được vào hiệp định một số quy định quan trọng trong lĩnh vực dệt may vốn không liên quan trực tiếp tới hợp tác kinh tế – thương mại. Thứ nhất, một loạt các cam kết tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn lao động và sớm áp dụng Công ước ILO, cũng như các quy định về bảo vệ môi trường.
Quy định này cho phép hình thành nên cơ chế tham vấn trong nước và quốc tế về các vấn đề nêu trên với sự tham gia của các thành phần trong xã hội dân sự.
Thứ hai, Liên minh châu Âu đã liên kết được thương mại tự do với Hiệp định về đối tác và hợp tác (PCA) kể từ năm 2012. Hiệp định này nhấn mạnh sự tôn trọng nhân quyền và phong trào hướng tới sự dân chủ ở Việt Nam là một phần không tách rời của Hiệp định thương mại song phương.
Các tài liệu đi kèm của EU chỉ ra rằng việc thực hiện Hiệp định về thương mại tự do của Brussels phụ thuộc vào các hành vi chính trị của lãnh đạo Việt Nam.
Hiệp định về thương mại tự do giữa Việt Nam với EU cũng giống như Hiệp định với Liên minh kinh tế Á – Âu. Hiệp định về TPP cũng nổi tiếng bởi các quy định vượt quá xa phạm vi thương mại hàng hoá. Việc Việt Nam và Hàn Quốc cũng thành lập khu vực thương mại tự do trong năm 2015, mặc dù mang tính “truyền thống” nhiều hơn, nhưng cũng tương đối quan trọng khi tính đến nguồn đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam. Và đó là còn chưa kể đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được chính thức thành lập kể từ 22/11 năm nay.
Tất cả các sáng kiến kể trên cho thấy giới lãnh đạo Việt Nam đang đưa đất nước hội nhập nền kinh tế thế giới bằng các bước đi cụ thể. Như chúng ta đã thấy, chính sách này đã đạt được một số mục tiêu cụ thể. Thứ nhất, mở rộng thị trường xuất khẩu để tăng khoản thu ngoại tệ.
Thứ hai, đa dạng hoá thị trường kinh doanh và nguồn hàng nhập khẩu, bao gồm cả việc nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Thứ ba, Việt Nam tính toán rằng Hiệp định thương mại tự do cho phép thu hút hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, và điều này là hữu ích cho việc chuyển giao công nghệ nước ngoài, cũng như thúc đẩy tư nhân hoá các lĩnh vực mà các tập đoàn nhà nước hoạt động không hiệu quả. Và quả thật, khối lượng đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang tăng lên – tổng đầu tư nước ngoài năm 2015 sẽ đạt kỷ lục ở con số 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, những hiệu quả thực sự đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chưa rõ ràng. Và có lẽ các hiệp định thương mại tự do kể trên sẽ chưa mang lại hiệu quả trong năm 2016. Hơn nữa, ngành công nghiệp Việt Nam cũng phải đứng trước thách thức cạnh tranh với các công ty nước ngoài có nhiều kinh nghiệm quốc tế và hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt là trong ngành sản xuất thép và thức ăn chăn nuôi.
Những khó khăn cũng có thể phát sinh bởi sự chồng chéo của các Hiệp định khác nhau. Các doanh nghiệp có quyền tự lựa chọn cơ chế thương mại, nhưng trong một số trường hợp thì điều này là không hề đơn giản – ví dụ, trong hiệp định này có thể được hưởng mức thuế thấp hơn, nhưng theo hiệp định khác thì ngược lại. Cụ thể, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện đang bị điều chỉnh bởi cùng lúc 3 hiệp định khác nhau.
Việt Nam đang tiến hành những bước đi đáng khen ngợi, nhằm đa dạng hoá tối đa các mối quan hệ, tạo ra một mạng lưới các quan hệ đối tác kinh tế rộng rãi. Vấn đề cơ bản mà Việt Nam có thể phải đối mặt lúc này là động lực để phát triển và sự tự chủ về kinh tế.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện về thành công của Hàn Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam đang đặt ra nhiệm vụ tạo nên những doanh nghiệp quốc gia mạnh mẽ, có khả năng tồn tại trên thị trường toàn cầu, tạo ra công ăn, việc làm và đóng thuế để kéo theo các vùng kém phát triển của đất nước.
Có lẽ, chúng ta sẽ có các câu trả lời cho những thách thức này vào đầu năm 2016, khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam XII. Đại hội lần này sẽ tập trung vào những thay đổi cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, xác định những bước đi mới để đổi mới cơ chế tăng trưởng hiện nay của Việt Nam.
Một loạt các Hiệp định thương mại tự do kể trên sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược này, và trong tương lai còn có thể cho thấy nhiều điều thú vị hơn bởi vì khi đó, Việt Nam có thể nhận ra hiệp định nào trong số những hiệp định này là khả thi và thành công nhất.
Ý kiến ()