Thứ Bảy, 18/01/2025 03:34 (GMT +7)

Việt Nam nói không với gỗ bất hợp pháp để xây dựng hình ảnh gỗ Việt

Thứ 7, 27/05/2017 | 09:28:00 [GMT +7] A  A

Ngành gỗ vừa ra tuyên bố chung “nói không với gỗ bất hợp pháp” để phát triển hình ảnh thương hiệu gỗ Việt với cộng đồng quốc tế.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) vừa cùng ký cam kế và cùng ra tuyên bố chung về việc sử dụng, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp.

viet nam noi khong voi go bat hop phap de xay dung hinh anh go viet hinh 1
Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam: Nói không với gỗ bất hợp pháp” diễn ra tại Hà Nội chiều 26/5

Nội dung quan trọng trong bản cam kết và tuyên bố chung bao gồm: Ủng hộ Chính phủ và các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương xây dựng, hoàn thiện và thực thi các chính sách và cơ chế phù hợp để triển khai hiệu quả Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT giữa Việt Nam và EU nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới, phát triển cơ chế quản lý và kiểm soát chặt chẽ gỗ rừng tự nhiên; khuyến khích phát triển rừng trồng được quản lý bền vững, gỗ có đường kính lớn, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của các cơ quan quản lý về phát triển, khai thác, sử dụng, mua bán gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, gỗ và sản phẩm gỗ được cấp phép CITES và FLEGT trong tương lai; thúc đẩy việc sử dụng, chế biến, sản xuất kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ từ rừng trồng trong nước và từ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hợp pháp và bền vững.

Không hội viên nào của các Hiệp hội tham gia vào các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ trái phép trên toàn lãnh thổ Việt Nam và tại các quốc gia cung gỗ nguyên liệu và các quốc gia tiêu thụ các mặt hàng gỗ của Việt Nam.

Cùng hợp tác xây dựng và phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu về ngành công nghiệp chế biến gỗ một cách toàn diện, công khai, minh bạch; tăng cường tính trách nhiệm giải trình trong cộng đồng doanh nghiệp, đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam và tuân thủ đầy đủ các quy định tại thị trường quốc tế.

Việc loại bỏ hoàn toàn nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao sẽ góp phần trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển hình ảnh thương hiệu Gỗ Việt với cộng đồng quốc tế.

Kết nối doanh nghiệp với làng nghề

Thời gian qua, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến, xuất gỗ Việt Nam cả về xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Ông Nguyễn Tôn Quyền – Chủ tịch VIFORES cho biết, mặt hàng gỗ xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Australia đòi hỏi khắt khe về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu đang khiến cho nhiều doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn.

viet nam noi khong voi go bat hop phap de xay dung hinh anh go viet hinh 2
Một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam là nguồn nguyên liệu (Ảnh minh họa: KT)

Để đáp ứng được các yêu cầu này, ông Quyền cho rằng, nguyên liệu gỗ phải là gỗ rừng trồng có chứng chỉ Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC và phải là gỗ được nhập khẩu từ các nguồn không có rủi ro. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản VPA/FLEGT, đòi hỏi tất cả các mặt hàng gỗ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phải đáp ứng toàn bộ các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ.

Theo lãnh đạo VIFORES, một trong những khó khăn lớn nhất là khi thực thi VPA/FLEGT, nguồn cung các mặt hàng được làm từ các loại gỗ quý được xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không thể tồn tại. Bên cạnh đó, việc sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề gỗ truyền thống tại Đồng Kỵ (Bắc Ninh); Liên Hà, Vạn Điểm (Hà Nội); La Xuyên (Nam Định); Hố Nai (Bình Dương) có thể bị đảo lộn.

Với khát khao xây dựng thương hiệu và hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam cũng như thực thi các cam kết lâm nghiệp bền vững, việc loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu có độ rủi ro cao là yêu cầu cấp bách của ngành gỗ Việt Nam. Điều này không chỉ là trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp mà còn đòi hỏi vai trò rất lớn của Nhà nước, đặc biệt trong việc tạo ra các cơ chế thông thoáng nhằm kết nối doanh nghiệp với các làng nghề trong thời gian tới.

Nguyên liệu sạch – yêu cầu cấp bách

Ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends (Tổ chức thương mại Lâm sản của Mỹ tại Việt Nam) cho biết, thời gian qua, nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam cả về xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Bình quân, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 – 4,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu với kim ngạch nhập khẩu 1,8 – 2 tỷ USD. Trong đó, lượng gỗ nhập khẩu từ các nguồn “sạch” lên tới trên 2 triệu m3. Với tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, xu hướng sử dụng mặt hàng từ các nguồn gỗ nhập khẩu này đang gia tăng.

Tuy nhiên, theo ông Phúc, mặc dù ngành gỗ đang tiếp tục được mở rộng nhưng hội nhập thị trường quốc tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là đối với các mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Một trong những rủi ro lớn, đó là sự pha trộn các nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu, thường là gỗ có nguồn gốc từ một số nước tiểu vùng sông Mekong (Lào, Campuchia) và châu Phi, tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của ngành Gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 4/2017 đạt 594 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2016. 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản./.
VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu