Thứ Hai, 20/01/2025 23:51 (GMT +7)

Xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Thứ 3, 20/10/2020 | 16:28:00 [GMT +7] A  A

Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Phiên khai mạc được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tới dự phiên khai mạc tại Nhà Quốc hội có: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách quốc tế cùng thường trực các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương.

Các vị đại biểu Quốc hội ở các địa phương và khách mời địa phương dự họp trực tuyến tại 63 điểm cầu thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước khi khai mạc kỳ họp, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đã vào Lăng đặt vòng hoa, viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiến hành họp trù bị.

Tại phiên trù bị, Quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó Tư lệnh Quân khu 4) cùng các đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong lúc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn cùng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tử nạn do thiên tai.

Xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, kinh tế thế giới suy thoái, cùng với những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong nước đã tác động bất lợi đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước ta.

Với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng, hợp lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sớm kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm của nước ta ước đạt trên 2%, là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống nhân dân được ổn định, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Kết quả đạt được đã góp phần củng cố niềm tin toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Công tác đối ngoại của đất nước tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng với các hoạt động đối ngoại nổi bật, như: việc thực hiện vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2019-2020,… đặc biệt là việc Quốc hội tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) bằng hình thức trực tuyến đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được Nghị viện các nước thành viên AIPA, và nghị viện quan sát viên AIPA ghi nhận và đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong những ngày qua, nhiều tỉnh miền Trung vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ gây ra, trong đó có sự hy sinh của nhiều cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và người dân tử nạn. Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, của lực lượng vũ trang trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và biểu dương ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết, đùm bọc của người dân vùng lũ; sự quan tâm, ủng hộ, tinh thần tương thân, tương ái của các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và chính quyền các cấp tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác với những diễn biến cực đoan của thời tiết, có các giải pháp tích cực, hiệu quả để sớm khắc phục hậu quả của mưa lũ; đồng thời, kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân” hết lòng quan tâm, động viên, chia sẻ, ủng hộ vật chất và tinh thần giúp nhân dân các địa phương bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.

Tiếp nối thành công của Kỳ họp thứ 9, Kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tiến hành thành hai đợt, đợt 1 họp trực tuyến và đợt 2 họp tập trung. Đây là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề đã khẳng định với cử tri trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Kỳ họp tập trung vào những nội dung quan trọng.

Các địa phương họp trực tuyến phiên khai mạc Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV.

Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Cụ thể, Quốc hội xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021. Bên cạnh đó sẽ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong 5 năm 2016 – 2020; phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính quốc gia 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và những thành tựu của những năm trước để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão, lũ, nên một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra không đạt được. Vì vậy, đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội cần phát huy cao độ tinh thần, năng lực, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện năm 2020 và cả nhiệm kỳ này; dự báo xu hướng biến động của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới, khu vực trong giai đoạn tới để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững hơn, để nâng cao đời sống của người dân, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường hợp tác hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế…

Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 4 dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xem xét, thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bảo đảm thực hiện quyền Hiến định về tự do cư trú, tạo điều kiện để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sống của nhân dân.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc – đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, quyết tâm chính trị bền vững, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta về sứ mệnh hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Điều đó càng tiếp tục khẳng định một Việt Nam tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Ngoài ra, một số báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò, trách nhiệm với cử tri và nhân dân, khắc phục khó khăn, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng các nội dung của Kỳ họp thứ 10.

Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần nêu trên, dành toàn bộ thời gian nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm góp phần vào thành công của kỳ họp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.

Cũng trong Phiên khai mạc, theo chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

TTXVN sẽ tiếp tục cập nhật các nội dung tiếp theo của Phiên họp.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN)
https://baotintuc.vn/chinh-tri/xac-dinh-phuong-huong-giai-phap-huu-hieu-thuc-day-phat-trien-kinh-texa-hoi-20201020112131550.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu