Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 03:52 (GMT +7)
Xử lý nghiêm tình trạng giả mạo hồ sơ người có công để trục lợi
Thứ 6, 19/05/2017 | 16:08:00 [GMT +7] A A
Sáng 19/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác làm Trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Còn hai nhiệm vụ quá hạn
Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nêu rõ: Bộ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 483 nhiệm vụ, trong đó Bộ đã hoàn thành 373 nhiệm vụ, đang thực hiện 110 nhiệm vụ. Theo đó, nhóm các nhiệm vụ được giao trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 331 nhiệm vụ (đã hoàn thành 226 nhiệm vụ; chưa hoàn thành, đang thực hiện trong hạn 103 nhiệm vụ; quá hạn 2 nhiệm vụ).
Giải trình về lý do thực hiện nhiệm vụ quá hạn được giao, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: Trong số các nhiệm vụ được giao, một số công việc có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề mới, nhạy cảm, cần phối hợp với các Bộ liên quan; đôi khi không thể hoàn thành đúng hạn do phải chờ ý kiến của các cơ quan.
Một số văn bản giao nhiệm vụ có thời gian quá gấp, khi về đến Bộ không còn nhiều thời gian để triển khai nên không thể bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, cần có khoảng thời gian hợp lý để triển khai hiệu quả các nội dung.
Về 103 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực triển khai thực hiện. Những nhiệm vụ trong hạn đang giải quyết là những nhiệm vụ mang tính chất dài hạn như: Yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá, thanh, kiểm tra chính sách để sửa đổi, bổ sung; theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách. Những nhiệm vụ cần trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương mang tính định kỳ, thường xuyên, hiện vẫn đang triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng làm rõ nguyên nhân việc thực hiện 2 nhiệm vụ quá hạn được giao, hiện đang hoàn thành. Liên quan đến việc hoàn thiện, ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (đơn vị thực hiện: Cục người có công; thời hạn Chính phủ giao: 28/2/2017; văn bản giao: Thông báo số 37/TB-VPCP ngày 25/1/2017), Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp giải thích: Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là vấn đề mang tính khoa học, công nghệ và là vấn đề mới, phức tạp, trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng, do có một số lý do khách quan nên tới nay vẫn chưa hoàn thành.
Bộ đang chỉ đạo Cục người có công phối hợp với Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) giải quyết dứt điểm việc bàn giao hồ sơ nghiên cứu Đề tài để tiếp tục thực hiện nghiên cứu, ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo quy định.
Đối với việc xây dựng, trình Chính phủ Nghị định về cai nghiện tự nguyện trong quý I/2017(đơn vị thực hiện Cục phòng, chống tệ nạn xã hội; thời hạn Chính phủ giao: trong quý I/2017; văn bản giao: Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 25/1/2017), Bộ đã có Công văn số 1199 ngày 31/3/2017 gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định. Sau khi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ sẽ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu ý kiến để trình Chính phủ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Văn phòng Chính phủ tiếp tục phân loại, biên tập nhiệm vụ thật rõ ràng, đúng địa chỉ, giao thời hạn hoàn thành phù hợp với mức độ phức tạp của nhiệm vụ giao để đảm bảo tính khả thi, tránh gây lúng túng cho các bộ, ngành.
Trong quá trình cập nhật kết quả thực hiện các nhiệm vụ, bên cạnh bộ, ngành được giao nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, cập nhật tiến độ, cần có cơ chế nâng cao trách nhiệm chuyên viên theo dõi của các đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ trong việc phân loại nhiệm vụ, chủ động cập nhật kết quả trên Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi; nghiên cứu, xem xét trong các văn bản giao nhiệm vụ chỉ cập nhật các nhiệm vụ của cơ quan chủ trì thực hiện; nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện Hệ thống phần mềm về một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hiện nay.
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ
Đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải đáp 8 nội dung Tổ công tác yêu cầu làm rõ, liên quan đến chính sách người có công; dạy nghề; lao động, việc làm, tiền lương; ngược đãi, xâm hại trẻ em; quản lý các cơ sở cai nghiện; an toàn lao động; xuất khẩu lao động; các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Thông tin về các hoạt động chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Từ năm 2016 đến nay, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, tạo được sự chuyển biến bước đầu, đặc biệt là trong việc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tác phong làm việc.
Việc thực hiện nhiệm vụ được giao cho từng cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Từ phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, toàn ngành lao động – thương binh và xã hội xác định 4 chủ đề lớn: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả”, lấy 2017 là năm “Đền ơn đáp nghĩa”.
Trong đó, Bộ tập trung thực hiện hai đột phá: Tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm ngày thương binh – liệt sĩ với trách nhiệm là ngành tham mưu để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện. Đến nay, tất cả các văn bản tham mưu và các hoạt động đã được thực hiện tương đối toàn diện với tinh thần từ ngày 1-30/7, mỗi ngày đều có một hoạt động lớn được triển khai.
Tiếp theo là làm tốt công tác tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng; phấn đấu trong tháng 7/2017, công nhận tối thiểu 200 trường hợp là thương binh, liệt sĩ, người được công nhận như liệt sĩ; năm 2017 giải quyết căn bản số hồ sơ tồn đọng.
Cần có các phương án đổi mới
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trước yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác vào tháng 8/2016. Bộ là đơn vị thứ 24 được kiểm tra, với yêu cầu tất cả các nhiệm vụ đều được kiểm tra, đánh giá, đôn đốc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần tiếp tục đề xuất các phương án thay đổi cách làm để giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến các hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện.
Đồng thời, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành có phương án xử lý xong 28.500 hồ sơ đề nghị công nhận người có công; xử lý nghiêm tình trạng giả mạo hồ sơ để trục lợi; trình Chính phủ ban hành Nghị định giao Bộ xây dựng các giải pháp thu hồi số tiền sai phạm, minh bạch, để giảm bức xúc, tạo công bằng xã hội.
Đối với các nội dung còn tồn đọng, liên quan đến tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng Bộ cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan, quan tâm công tác tuyên truyền, xây dựng các biện pháp phòng ngừa, cảnh báo gia đình, xây dựng ý thức của cộng đồng xã hội; xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền; có cơ chế tiếp nhận thông tin, biện pháp ngăn ngừa, xử lý khi có kiến nghị, thông tin phản ánh của người dân, báo chí.
Những vụ việc Bộ chưa chủ động có phương án xử lý, Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, Bộ cần có sự chủ động trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin. Liên quan đến việc xây dựng Nghị định về cai nghiện tự nguyện, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần sớm hoàn thiện trong tháng 5, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để ban hành trong tháng 6/2017.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt trong lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, Bộ cần tích cực tham gia cùng Chính phủ để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân…
Ý kiến ()