Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 10:37 (GMT +7)
Ý chí, khát vọng và quyết định đúng đắn tạo nên đại thắng mùa Xuân 1975
Thứ 4, 29/04/2020 | 14:56:00 [GMT +7] A A
Chân thành, xúc động và dạt dào tình cảm dành cho Việt Nam là cảm tưởng của chúng tôi sau các cuộc trò chuyện với 4 cựu chuyên gia quân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Tất cả các cựu chiến binh, tuy tuổi cao song vẫn đau đáu dành một phần tình cảm của mình cho Việt Nam, vùng đất xa xôi được họ xem như quê hương thứ hai của mình.
Cầu tàu 37 cảng Vladivostosk, nơi những con tàu trinh sát Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô, ra khơi trong sứ mệnh “Vịnh Bắc Bộ”. Ảnh tư liệu: Nhóm P/v TTXVN tại Liên bang Nga
Trò chuyện với Trung tướng phòng không Viktor I. Filippov, 85 tuổi, trong giai đoạn từ tháng 3/1972 đến tháng 11/1972 cùng với 10 chuyên gia quân sự Liên Xô hỗ trợ cho Trung đoàn tên lửa số 263 Quân đội nhân dân Việt Nam đóng ở thành phố Vinh, ông vẫn còn nhớ rõ thời gian đơn vị của ông là mục tiêu ném bom thường xuyên của máy bay chiến đấu Mỹ. Ông kể: “Các đơn vị tên lửa sau khi tác chiến phải di chuyển ngay nếu không sẽ bị Mỹ phát hiện và giội bom. Trung đoàn tên lửa liên tục bị máy bay Mỹ tấn công, và công việc của chúng tôi là khôi phục khả năng tác chiến của các khẩu đội tên lửa. Và trong những đợt không kích của máy bay Mỹ chúng tôi đã cùng chung chiến hào với các đồng chí Việt Nam để đối chọi với máy bay Mỹ”.
Trung tướng Filippov đánh giá cao khả năng nhanh chóng nắm bắt và sử dụng tên lửa phòng không của bộ đội Việt Nam, cũng như kinh nghiệm chiến đấu phong phú của quân đội Việt Nam. Ông bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam cảm ơn chúng tôi đã giúp đỡ, nhưng chúng tôi cũng cảm ơn dân tộc Việt Nam, quân đội Việt Nam đã giúp chúng tôi nắm bắt các kinh nghiệm chiến đấu thực tế để Liên Xô dựa trên những kinh nghiệm đó huấn luyện cho bộ đội, sĩ quan của chúng tôi”.
Đề cập đến những yếu tố giúp Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1974, Tướng Filippov cho rằng trước tiên đó là lòng yêu nước của người Việt Nam. Tiếp đến là ý chí thống nhất đất nước, đóng vai trò thôi thúc trong cuộc chiến tranh chính nghĩa này.
Đại tá Anatoly Nazarov, Phó Chủ tịch Chi hội St. Petersburg của Hội liên khu vực cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) LB Nga chụp ảnh chung với các sĩ quan Việt Nam.
Ảnh tư liệu: Nhóm P/v TTXVN tại Liên bang Nga
Đại tá Anatoly Nazarov, Phó chủ tịch Chi hội St. Petersburg của Hội liên khu vực Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) LB Nga, người đã được tặng tưởng Huân chương Sao Đỏ cao quý của Liên Xô và Huân chương Hữu nghị của Việt Nam, thì bồi hồi kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm buồn cùng những tình cảm người dân Việt Nam đã dành cho các chuyên gia Liên Xô. Ông nhắc lại ngày 16/4/1972 ở làng Phúc Lộc, huyện Kiến Xương, Thái Bình, khi máy bay Mỹ giội bom phá hủy 121 ngôi nhà trong làng, làm 200 thường dân Việt Nam thiệt mạng và rất nhiều người bị thương. Đây cũng là nỗi ám ảnh trong lòng ông cho tới tận ngày nay. Một kỷ niệm khác được ông Nazarov nhắc tới là khi dừng chân ở một ngôi làng nhỏ. Khi biết ông là chuyên gia Liên Xô, một cụ già Việt Nam đã bổ dưa hấu đặt lên một chiến mâm cổ để mời ông ăn. Đại tá Nazarov kể: “Phiên dịch viên nói với tôi rằng chiếc mâm rất cổ và chỉ dành để mời những người được kính trọng nhất. Đó chính là tình cảm ấm áp mà nhân dân Việt Nam dành cho các chuyên gia Liên Xô”. Ông cũng thông qua các phóng viên TTXVN gửi lời cảm ơn tới nhân dân Việt Nam “vì đã luôn nhớ tới chúng tôi”.
Đúc rút những yếu tố đã làm nên chiến thắng lịch sử, Đại tá Nazarov cho rằng đó là nhờ vào ý chí, tinh thần chiến đấu cao của người Việt Nam, niềm tin vô bờ bến vào Bác Hồ và khát vọng thống nhất đất nước.
Với Trung úy Vladimir Shvets, thủy thủ tàu trinh sát Hydrophone Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô, đã tham gia chiến dịch tiếp cận đội tàu sân bay Mỹ ở Vịnh Bắc Bộ để giám sát máy bay Mỹ xuất kích, cảnh báo cho phòng không Việt Nam, ông cho biết con tàu từ cầu tàu 37 cảng Vladivostosk đến Vịnh Bắc Bộ thực hiện nhiệm vụ trinh sát trong 90 ngày. Qua câu chuyện giữa các chỉ huy, ông mới biết rằng con tàu phải đối mặt với nhiều rủi ro như bị kẻ thù tấn công hay gặp bão biển vì nó hoạt động đơn độc trên biển. Ông đã kể lại lần tận mắt chứng kiến một máy bay Mỹ, sau khi ném bom miền Bắc Việt Nam, khi quay trở về tàu sân bay đã trúng tên lửa phòng không Việt Nam.
Đại tá phòng không Aleksey Skreblyukov – Chủ tịch Chi hội St Petersburg, Hội liên khu vực cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) của LB Nga chụp ảnh với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại St. Petersburg. Ảnh tư liệu: Nhóm P/v TTXVN tại Liên bang Nga
Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”, Đại tá Aleksey Skreblyukov, Chủ tịch Chi hội St Petersburg, Hội liên khu vực Cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam (MOOVVV) LB Nga, người đã được trao tặng Huân chương Sao Đỏ cao quý, Huân chương “Phụng sự tổ quốc trong Lực lượng vũ trang Liên Xô” hạng III và Huân chương Hữu nghị của Việt Nam, bày tỏ như vậy. Đại tá Skreblyukov đánh giá rằng Việt Nam chiến thắng trước tiên là nhờ khả năng tổ chức, quyết định sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những quyết định chính trị đúng đắn để chiến thắng kẻ thù”. Tiếp đó là lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam. Một dân tộc sẵn sàng đấu tranh, hy sinh tất cả cho chiến thắng, cho độc lập tự do.
Đại tá Skreblyukov cho biết khi quay trở lại Việt Nam năm 2014-2015, ông rất vui mừng trước những đổi thay ấn tượng của Việt Nam về mọi mặt. Và nay ông càng vui mừng hơn khi Việt Nam đã sang tuần thứ hai không có thêm người nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông quả quyết: “Đối với tôi đây là một niềm vui lớn, tôi rất tự hào về Việt Nam. Các bạn cần tiếp tục như vậy. Tôi cho rằng tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô từng phục vụ tại Việt Nam đều coi đây là quê hương thứ hai của mình”.
https://baotintuc.vn/thoi-su/y-chi-khat-vong-va-quyet-dinh-dung-dan-tao-nen-dai-thang-mua-xuan-1975-20200429093816703.htm
Ý kiến ()