Thứ Bảy, 11/01/2025 22:41 (GMT +7)

Yếu tố quan trọng nhất của công tác bầu cử là chất lượng đại biểu

Thứ 5, 03/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc bầu cử vẫn là chất lượng đại biểu, trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định và quy trình bầu cử theo luật định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chiều 2/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác năm 2016 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đưa ra khẳng định trên.

Hội nghị còn có sự đồng chủ trì của Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 – sự kiện chính trị trọng đại của đất nước năm 2016, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia để tổ chức thành công đợt bầu cử năm 2016; nhất là những nội dung liên quan đến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Tiếp thu những ý kiến đề xuất của các đại biểu, ghi nhận những thành trong công tác phối hợp giữa hai cơ quan gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đại biểu Quốc hội và MTTQ các cấp đều là những chủ thể gần dân, sát dân, gắn bó mật thiết nhân dân, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Do đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội và MTTQ các cấp cần nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ, ngày càng đáp ứng tốt hơn mong đợi của cử tri và người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, HĐND các cấp và hệ thống MTTQ còn chưa thực sự phù hợp, đồng bộ, thường xuyên… cần khắc phục trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị hai cơ quan phối hợp thực hiện tốt công tác xây dựng pháp luật của năm 2016; tích cực tham gia góp ý, thực hiện chức năng phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và MTTQ Việt Nam cũng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn trong việc nắm bắt, phản ánh và giám sát giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân và hoạt động tiếp xúc cử tri; triển khai hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm

Đánh giá cao công tác phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 – 2021; đặc biệt là những điểm mới của đợt bầu cử lần này tới các tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân.

MTTQ Việt Nam cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác giám sát, xây dựng pháp luật và các hoạt động của Quốc hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng sẽ tăng cường phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan Quốc hội trong các hoạt động giám sát của hai cơ quan và tiến tới xây dựng Nghị quyết liên tịch về nội dung này.

Năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật MTTQ Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9, cụ thể hóa khá đầy đủ quy định của Hiến pháp 2013 về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; thể chế hóa chủ trương của Đảng về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt hơn vai trò của minh trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Đặc biệt, để phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử.

Đây là những văn bản quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, là cơ sở để cơ quan, tổ chức, đơn vị và công dân thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác bầu cử.

Thông qua việc tiếp xúc cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp tập hợp được hơn 8.346 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để báo cáo tại các Kỳ họp thứ 9, thứ 10 của Quốc hội khóa XIII.

Hai cơ quan đã phối hợp giám sát nhiều chuyên đề về chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế – xã hội qua đó, đánh giá cụ thể những kết quả đạt được, để đề xuất các giải pháp, kiến nghị xác đáng, góp phần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật tăng cường trách nhiệm cơ quan chịu sự giám sát.

Tại buổi làm việc, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ trong công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần gũi với cử tri, ngày càng đi vào những vấn đề bức xúc là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Một số ý kiến đề nghị đổi mới công tác phối hợp theo hướng tổ chức để Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam tham gia góp ý từ đầu quá trình soạn thảo các dự án luật để tiếp thu được nhiều hơn những ý kiến chất lượng, góp phần hoàn thiện các dự thảo.

Quang Vũ (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu