Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 12:07 (GMT +7)
10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2016
Thứ 5, 29/12/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 29/12/2016 lúc 0:00
10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2016 do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn.
1 . Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh toàn diện , đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt từ 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP…
2. Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, cùng với Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP. Chỉ số nợ công hàng năm được đặt giới hạn không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Vượt qua khó khăn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. Ảnh: TTXVN |
3.Vượt qua khó khăn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2016, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá. GDP ước tính tăng 6,21% so với năm trước, bất chấp những khó khăn về thiên tai, các tỉnh miền Trung ảnh hưởng sự cố môi trường biển và tác động bất lợi từ kinh tế thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
4. Ngân hàng Nhà nước áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới
Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa vào áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới. Theo đó, NHNN công bố tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đôla Mỹ (USD) hàng ngày. Cơ chế điều hành mới cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
5. Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp
Với quan điểm doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Một trong những cam kết được chú ý là Nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực.
6. Đột phá về số lượng doanh nghiệp thành lập mới
Năm 2016 là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Cả năm có hơn 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với hơn 891.094 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Con số này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp và vai trò của Chính phủ hành động trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đang tiếp tục phát huy hiệu quả.
7. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung
Vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế, ảnh hưởng nặng nề tới sản xuất và đời sống của người dân. Với chủ trương “Không đánh đổi môi trường lấy dự án”, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã quyết liệt vào cuộc xử lý nghiêm các sai phạm, khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân và buộc Formosa đền bù thiệt hại.
8. Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Nguyên nhân là do từ năm 2009 – thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án – cho đến nay, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi về điều kiện kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, trình độ khoa học-công nghệ của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp để phát triển điện hạt nhân. Mặt khác, hiệu quả kinh tế của dự án không còn đảm bảo, giá thành sản xuất điện hạt nhân cao hơn giá thành sản xuất từ năng lượng khác…
9. Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế
Ngày 4/2, tại Auckland (New Zealand), các bộ trưởng thương mại và kinh tế của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đặt bút ký vào văn bản này, đánh dấu việc các nước chính thức hoàn tất toàn bộ quá trình đàm phán để có thể bắt đầu thủ tục phê chuẩn tại mỗi nước. Tiếp đó, ngày 5/10/2016, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU) đã chính thức có hiệu lực. Việc ký kết TPP và việc FTA với EAEU bắt đầu có hiệu lực đã một lần nữa khẳng định xu hướng đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
10. Đạt kỷ lục đón 10 triệu lượt du khách quốc tế
Nam 2016, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2015, đạt kỷ lục cả về lượng khách và mức tăng tuyệt đối trong một năm. Đồng thời, ngành du lịch đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu toàn ngành đạt 400.000 tỷ đồng. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của ngành du lịch Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Ý kiến ()