Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 24/01/2025 04:08 (GMT +7)
APEC 2017: Tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp ở khu vực APEC
Thứ 4, 13/09/2017 | 11:19:00 [GMT +7] A A
Sau 2 ngày tập trung thảo luận với sự tham gia của khoảng 400 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp ở khu vực APEC.
Đây là diễn đàn đầu tiên bàn về chủ đề khởi nghiệp, một vấn đề quan trọng nhất trong sự phát triển ở khu vực APEC hiện nay.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Nội dung tuyên bố chung tập trung vào việc tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của APEC một cách hiệu quả nhất, nhằm tạo tiền đề để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả. Hệ sinh thái này cần thiết kế làm sao phù hợp với từng nền kinh tế, phát huy sức sáng tạo của các doanh nghiệp.
Tuyên bố chung cũng đưa ra các khuyến nghị thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào nền kinh tế công nghệ số. Các nền kinh tế cần thiết lập khung chính sách về thương mại điện tử để có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) phát triển. Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề nghiệp cho giới trẻ cũng là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.
Thêm vào đó, tuyên bố chung đề cập đến việc thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp phát triển, nhất là vấn đề tài chính cho khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, tư vấn kinh doanh… Quan trọng hơn cả, đó là tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, phát triển chuỗi cung ứng “xanh”, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp…
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Tuyên bố chung của Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017 đã đưa ra các khuyến nghị cho các yếu tố quan trọng nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đổi mới sáng tạo, giáo dục tinh thần khởi nghiệp…
Với tư cách là nền kinh tế chủ nhà trong năm APEC 2017, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất, từ năm 2017 trở đi, APEC sẽ tổ chức diễn đàn về khởi nghiệp APEC bên lề các hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, công bố chỉ số khởi nghiệp trong khu vực APEC. Đồng thời, đưa ra những giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của các nền kinh tế thành viên; chung tay xây dựng mạng lưới khởi nghiệp APEC.
Đại diện VCCI cho biết, nội dung tuyên bố chung này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra vào ngày 15/9 tới đây tại Tp.Hồ Chí Minh và báo cáo tại cuộc họp các quan chức cấp cao diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017.
Trước đó, Nghiên cứu chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (GEM) được trình bày tại diễn đàn cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp APEC đang phát triển tương tự với hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, là sự kết hợp giữa rất nhiều yếu tố: tài chính cho doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thuế và thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh… Tuy nhiên xét về điểm số hiệu quả của các yếu tố thành phần, hệ sinh thái khởi nghiệp APEC còn xa mới đạt được mức tốt nhất.
Hệ sinh thái khởi nghiệp APEC được dẫn dắt bởi các nền kinh tế đổi mới. Trong đó có khoảng cách khá lớn về chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp ở 3 nhóm kinh tế.
Nhóm phát triển dựa trên yếu tố đầu vào (Việt Nam, Nga, Philippines), nhóm phát triển dựa trên hiệu quả (Indonesia, Chile, Peru, Mexico, Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia), nhóm phát triển dựa trên đổi mới (Hàn Quốc; Canada; Nhật Bản; Hoa Kỳ; Australia; Singapore; Hong Kong, Đài Loan – Trung Quốc).
Trong đó, lo sợ thất bại kinh doanh vẫn ở mức độ cao tại các nền kinh tế phát triển dựa trên yếu tố đầu vào. Ngược lại, tại các nền kinh tế phát triển dựa trên đổi mới có nhiều khởi nghiệp trong lĩnh vực phục vụ doanh nghiệp – tạo sự liên kết theo chuỗi.
Ý kiến ()