Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 06/11/2024 06:33 (GMT +7)
Bến Lức khẩn trương tiêm phòng bệnh Dại trên đàn chó, mèo
Thứ 4, 30/10/2024 | 10:27:05 [GMT +7] A A
Theo thống kê, hiện nay toàn huyện Bến Lức có hơn 15.000 con chó, mèo đang được nuôi ở 7.875 hộ dân trên địa bàn huyện. Trước tình hình bệnh dại xảy ra tại ấp 7A xã Mỹ Yên vừa qua, UBND huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi - Thú y phối hợp các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; tăng cường tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, tính chất nguy hiểm của bệnh dại cho người dân hiểu,… Với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt đến nay các địa phương cơ bản đã hoàn công tác tiêm bổ sung vắc xin phòng dại trên đàn chó mèo phát sinh tại địa phương.
Với chủ trương thực hiện ráo riết, triệt để, không để sót vật nuôi, liên tục từ ngày 14/10/2024 đến nay, các Đội Thú y của huyện đã tiến hành tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo phát sinh tại các xã, thị trấn trong huyện với phương thức tiêm cuốn chiếu theo hướng tập trung, trong đó tại địa bàn xảy ra dịch là xã Mỹ Yên được tiêm trước với 300 liều; các xã trong vùng uy hiếp như Phước Lợi, Tân Bửu, Long Hiệp, Tân Hòa;… mỗi xã từ 100-300 liều, tùy vào đàn chó mèo phát sinh. Sau 2 tuần ra quân thực hiện, đến nay các xã, thị trấn đã tiêm bổ sung được hơn 1.000 liều vắc xin. Lũy kế, từ đầu năm đến nay toàn huyện đã tiêm được 3 đợt với 14.213 liều vắc xin dại trên đàn chó, mèo tại địa phương.
Bà Hà Thị Thu Thủy, Ấp 1 xã Tân Hòa, cho biết: “Tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi là quyền lợi và trách nhiệm của người dân, chó của tui nuôi có dây xích và không thả rông nhưng tôi cũng đăng ký tiêm phòng bệnh dại vì không tiêm phòng cẩn thận lỡ cắn người thì rất nguy hiểm”.
Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh dại, UBND huyện đã chỉ đạo các nghành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi, làm tốt công tác giám sát, phát hiện bệnh dại trên động vật; xử lý kịp thời việc dập dịch khi dịch bệnh xảy ra, không để dịch bệnh dại lây lan sang người; chuẩn bị đủ vắc xin phòng bệnh dại đáp ứng nhu cầu điều trị của Nhân dân khi cần thiết. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường việc quản lý, tổ chức cho các gia đình đăng ký nuôi chó, mèo, nhất là những điểm có nguy cơ bệnh dại, hoặc nghi có chó, mèo mắc dại cắn người; tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở súc vật, gắn với tuyên truyền để Nhân dân hiểu, đồng thuận trong thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên súc vật, hạn chế thấp nhất lây nhiễm bệnh dại từ súc vật sang người.
Cơ quan thú y khuyến cáo: Để việc nuôi chó, mèo không gây hiểm họa cho người, ngoài chấp hành Pháp lệnh thú y về tiêm phòng cho vật nuôi, chủ nuôi phải thực hiện các biện pháp giám sát, quản lý như làm chuồng nhốt chắc chắn, rọ mõm, không thả rong để phòng chó cắn người. Người lớn, trẻ em không nên tiếp xúc trực tiếp với chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải xác định rõ bị cắn trong trường hợp nào, xử lý vết thương bằng cách dội, rửa nhiều lần bằng xà phòng, nước muối, sát khuẩn bằng cồn trước khi đến cơ sở y tế khám, xử lý. Yêu cầu chủ nuôi phải xích hoặc nuôi nhốt trong chuồng 10 - 15 ngày để theo dõi. Không giết mổ chó đang theo dõi hoặc chó ốm.
Việt Hằng - Kim Phượng
Ý kiến ()