Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 06:51 (GMT +7)
Chủ động triển khai các giải pháp trọng tâm phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam
Thứ 3, 16/06/2020 | 10:01:00 [GMT +7] A A
Ngày 15/6, tại TP Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2020 với sự tham gia của 350 đại biểu đến từ các Bộ, ngành và địa phương phía Nam tham gia.
Hội nghị nhằm đánh giá công tác về phòng chống thiên tai năm 2019, phân tích dự báo và diễn biến tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2020 để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2020 tại khu vực Nam Bộ. Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhằm triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai.
Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, thiên tai năm 2019 ở Việt Nam không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Tại khu vực Nam Bộ đã xảy ra 14/21 loại hình thiên tai; 141 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% cả nước); 564 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 834 km…, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2018.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt khiến 54.700 ha lúa bị hư hại, 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra ngập úng cục bộ tại nhiều khu vực do ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn kèm giông lốc trên diện rộng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 cũng đã tạo ra mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 cả về thời gian và độ xâm nhập mặn, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp, khó lường.
Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải chủ động và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.
Theo đó, ông Trần Quang Hoài đề nghị các ban, ngành, địa phương cần tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu về tình hình sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn về Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để theo dõi, chỉ đạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai; tích cực phổ biến kiến thức về bão, lũ, sạt lở… đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh.
Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó thiên tai năm 2019.
Đồng thời, trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tích cực tổ chức các đoàn kiểm tra những trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản tại các địa phương thuộc khu vực Nam Bộ, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long; chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực và kịch bản ứng phó đối với tất cả các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai; đưa ra nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế… Đặc biệt, nhờ sự vào cuộc của các lực lượng vũ trang, nhất là lực lượng quân đội, công an đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, khắc phục và tìm kiếm cứu nạn cũng như sự phối hợp từ chính người dân, công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua đã đạt kết quả tích cực hơn.
Theo đó, năm 2019, số người chết do thiên tai giảm mạnh. Hạn hán, xâm nhập mặn dù vượt mốc lịch sử nhưng thiệt hại về nông nghiệp được giảm thiểu đáng kể. Cùng với đó, công tác hỗ trợ khẩn cấp đã bám sát thực tiễn, tương đối phù hợp với nhu cầu của địa phương; đồng thời chính quyền và nhân dân vùng thiên tai đã chủ động tái thiết, phục hồi nhanh chóng, ổn định cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương khu vực Nam Bộ xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020. Trong đó, các địa phương cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm về kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp theo quy định; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ và ứng phó khi có tình huống xảy ra; tăng cường lắp đặt thiết bị giám sát, cảnh báo thiên tai; quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các hồ chứa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại.
Đại diện các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ ký chương trình phối hợp phòng, chống thiên tai năm 2020.
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2020 – 2025. Phong trào được triển khai trên phạm vi cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phong trào đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 – 2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai.
Dịp này, 5 tập thể, 5 cá nhân thuộc khu vực miền Nam đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó, thông tin, truyền thông và khắc phục hậu quả thiên tai năm 2019.
https://baotintuc.vn/thoi-su/chu-dong-trien-khai-cac-giai-phap-trong-tam-phong-chong-thien-tai-khu-vuc-mien-nam-20200615213557454.htm
Ý kiến ()