Thứ Tư, 22/01/2025 20:56 (GMT +7)

COVID-19: Phòng dịch mùa thi và đề xuất bổ sung giáo viên vào đối tượng nhận hỗ trợ

Thứ 4, 15/07/2020 | 07:58:00 [GMT +7] A  A

Đến 14/4, Việt Nam đã có 89 ngày không lây nhiễm virus SARS CoV-2 trong cộng đồng. Tại các địa phương, việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đầu cấp được chú trọng đặc biệt khâu phòng dịch.

Cách ly kịp thời ca bệnh nhập cảnh

Trung đoàn Bộ binh 126 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên) phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tiếp nhận và cách ly 139 công dân Việt Nam trở về từ Vương quốc Anh, ngày 13/7/2020. Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 14/7, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là hành khách trở về từ Nga đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh; nâng tổng số mắc lên 373 trường hợp.

Về số ca lây nhiễm trong cộng đồng, hôm nay đánh dấu ngày thứ 89,Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng cộng có 233 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.357 ca, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 72 ca, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.871 ca, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 414 ca.

2 bệnh nhân nữa được công bố khỏi bệnh

Diễn biến COVID-19 tại Việt Nam ngày 14/7, với số lượng người được điều trị khỏi chiếm phần lớn

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 22 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện nay số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với SARS-CoV-2 là 2 ca

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến sáng 14/7, cả nước có thêm 2 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh gồm: BN331 (nữ, 47 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và BN337 (nam, 25 tuổi) tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các trường hợp này hiện đều có sức khoẻ ổn định, không ho, không sốt và sẽ tiếp tục được cách ly theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày tiếp theo.

Hà Nội chú trọng phòng dịch trong các kỳ thi

Giờ ôn tập kiến thức chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội). Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Phục vụ Kỳ thi vào lớp 10 công lập diễn ra từ ngày 16/7 và Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2020 vào ngày 8 – 10/8, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an toàn, cấp cứu, khám chữa bệnh cho các thí sinh, người nhà và các lực lượng tham gia phục vụ kỳ thi.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội phối hợp và hướng dẫn Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời, triệt để nếu phát sinh dịch bệnh; chủ động kiểm tra vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm tổ chức thi; kiểm tra vệ sinh nguồn nước sinh hoạt của các nhà máy nước, trạm cấp nước trên địa bàn thành phố.

Song song đó, Sở phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền đến người dân về thực hiện vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phòng chống nắng nóng, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; bố trí cán bộ với đủ cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu trực đảm bảo công tác y tế tại các điểm thi khi có yêu cầu; thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh đến các Hội đồng thi và xử lý các tình huống xảy ra; chủ động phối hợp với các Hội đồng thi kiểm tra việc đảm bảo nước uống, ánh sáng, thông gió và các điều kiện khác phục vụ cho thí sinh trong các kỳ thi.

Sở Y tế yêu cầu Chi cục An toàn thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức thi; phối hợp với các đơn vị liên ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước giải khát.

Ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; tuyên truyền cho người dân, thí sinh và người nhà lựa chọn thực phẩm an toàn và các biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

Trung tâm Cấp cứu 115 bố trí các kíp trực sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu, thực hiện vận chuyển cấp cứu người bệnh kịp thời, an toàn và các công tác đột xuất khác theo điều động của cấp trên.

Các đơn vị điều trị chuẩn bị giường bệnh, thuốc, trang thiết bị cần thiết, nguồn nhân lực ưu tiên khám, cấp cứu, điều trị cho các thí sinh, người nhà và các lực lượng khác tham gia vào các kỳ thi; phân công các đội cấp cứu cơ động trực tại đơn vị trong những ngày thi, sẵn sàng tham gia cấp cứu ngoại viện khi có yêu cầu.

Trước đó, trong các chuyến công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới các địa phương nhằm kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia 2020, lãnh đạo Bộ Giaó dục và Đào tạo cũng đặc biệt lưu ý các địa phương công tác phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho kỳ thi này.

Kiến nghị bổ sung giáo viên vào đối tượng được hưởng gói hỗ trợ

Người lao động khó khăn tại TP Hồ Chí Minh nhận hỗ trợ trong mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Trong quá trình giám sát chi hỗ trợ cho đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Bến Tre, nhiều địa phương phản ánh, các nhóm lao động có ký kết hợp đồng, có tham gia bảo hiểm xã hội như: Bảo mẫu, giáo viên, cấp dưỡng, tạp vụ dọn dẹp vệ sinh… bị tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động tại các trường mầm non, nhóm trẻ tư thục. Khi làm thủ tục theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, cơ quan Bảo hiểm xã hội trả lời không thuộc nhóm 1 (người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) nên không xác nhận hưởng hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành cho rằng, trong thời gian dịch COVID-19, các điểm kinh doanh karaoke đóng cửa, tạm dừng hoạt động được hỗ trợ. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng ở các trường nghỉ việc lại không được. Như vậy, giáo viên rất thiệt thòi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, tỉnh có trên 1.600 giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học có hợp đồng lao động, được nhà trường trả lương. Trong thời điểm dịch bệnh, các giáo viên này thật sự gặp khó khăn vì không có lương và không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre Đặng Thị Phượng cho biết, do kinh phí khó khăn, UBND tỉnh chủ trương không mở rộng thêm các đối tượng được hưởng mà chỉ thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo hướng dẫn từ Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tỉnh đang cố gắng giải quyết kịp thời, đầy đủ và chính xác cho những đối tượng nằm trong quy định của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

Bà Đặng Thị Phượng cho biết thêm, qua công tác giám sát của Mặt trận các cấp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã kiến nghị Trung ương và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét lại các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định. Trên thực tế, nhiều đối tượng gặp khó khăn nhưng trong quy định không thuộc nhóm được nhận hỗ trợ.

Trước thực trạng nhiều đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng không được hưởng hỗ trợ, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chiều 9/7, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, bổ sung hỗ trợ cho giáo viên của các trường mầm non công lập, ngoài công lập, các trung tâm ngoại ngữ, người làm công tác bảo mẫu ở các trường tư thục và công lập, đơn vị sự nghiệp, để chia sẻ một phần khó khăn với các nhóm đối tượng này.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre, một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như: Thợ xây dựng, thợ may gia công, thợ gói kẹo, lái xe dịch vụ chở khách… đặc biệt là giáo viên, bảo mẫu tại các trường mầm non công lập, ngoài công lập, giáo viên của các trung tâm ngoại ngữ.

Hợp tác các chính đảng quốc tế để bảo đảm an ninh trong giai đoạn đại dịch COVID-19

Ngày 14/7, đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương đã tham dự Hội nghị bàn tròn chính đảng quốc tế trực tuyến với chủ đề: “Hợp tác an ninh trong giai đoạn đại dịch COVID-19” do ngài Dmitry Anatolyevich Medvedev, Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga chủ trì.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân dự Hội nghị bàn tròn quốc tế trực tuyến “Hợp tác trong lĩnh vực an ninh thời đại COVID-19”. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đảng cầm quyền và đảng tham chính của một số nước gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Síp, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Serbia, Tây Ban Nha và Việt Nam.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với đại dịch COVID-19 ở mỗi nước, trong đó, việc Chính phủ đặt ưu tiên vào an ninh con người và sức khỏe của nhân dân được cho là yếu tố hết sức quan trọng.

Để phòng, chống đại dịch, các đại biểu kêu gọi các đảng, các nước tăng cường hợp tác một cách có trách nhiệm, thực hiện nghiêm các thoả thuận quốc tế về cấm phát triển và sử dụng vũ khí sinh học; nỗ lực nghiên cứu, sản xuất, chia sẻ thuốc đặc trị và vắc xin phòng ngừa để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội được tiếp cận.

Đồng chí Hoàng Bình Quân đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như giải quyết những vấn đề do đại dịch gây ra, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự tin tưởng và đồng lòng của người dân trong phòng chống đại dịch.

Đồng chí Hoàng Bình Quân đã nêu các đề xuất tăng cường phối hợp về chính sách, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu một cách kịp thời, thường xuyên; không phân biệt đối xử trên tinh thần nhân đạo, bảo đảm an toàn cho công dân các nước đang ở trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cung cấp đầy đủ thông tin, được điều trị nếu bị nhiễm bệnh và có thể tiếp cận với các nguồn viện trợ nhân đạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, người dân ở các nước trong đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống; phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, các thể chế đa phương trong thúc đẩy các nỗ lực chống dịch, bảo đảm an ninh trên phạm vi toàn cầu.

PV/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/thoi-su/covid19-phong-dich-mua-thi-va-de-xuat-bo-sung-giao-vien-vao-doi-tuong-nhan-ho-tro-20200714210715183.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu