Thứ Năm, 23/01/2025 03:52 (GMT +7)

Dịch COVID-19 tại Việt Nam: 24 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới

Thứ 4, 24/06/2020 | 09:01:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 24/06/2020 lúc 9:01

Tính đến 18 giờ ngày 23/6, đã 68 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 7.157 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 124; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.159; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 874 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 23/6 Việt Nam có thêm BN328 (nam, 1 tuổi, quốc tịch Việt Nam) được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân sức khoẻ ổn định và sẽ tiếp tục được cách ly theo dõi y tế trong 14 ngày tiếp theo.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 2 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 3 ca.

Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Tính đến hiện tại, tổng số trường hợp mắc COVID-19 của Việt Nam được chữa khỏi là 328/349 bệnh nhân, trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Việt Nam kiểm soát dịch COVID-19 thành công, và chuyển sang trạng thái bình thường mới. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang đối mặt với làn sóng dịch thứ hai với số mắc tăng kỷ lục; các chuyên gia cảnh báo, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả các ca nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.

Nhằm bảo vệ những thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong nước, chúng ta phải tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Người dân sẽ được khám chữa bệnh với các y, bác sĩ giỏi ngay từ tuyến dưới

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 2628/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 giúp người dân được khám, chữa bệnh với đội ngũ nhân lực y tế trình độ cao ngay từ tuyến dưới. Sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia hỗ trợ tuyến dưới.

Một buổi hội chẩn từ xa hỗ trợ tuyến dưới tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BV.

Bên cạnh chất lượng khám, chữa bệnh hiện đã được nâng cao, nâng cấp, hỗ trợ các trung tâm y tế cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, hệ thống khám, chữa bệnh của nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, thách thức, nhất là điều kiện khám chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, phân bố nhân lực y tế không đồng đều, cán bộ có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế phát triển, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều kỹ thuật cao đã triển khai, nhưng mới chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và ở các bệnh viện tuyến Trung ương…

Đặc biệt, ở tuyến dưới, nhất là vùng sâu, vùng xa có chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất cân bằng trong chăm sóc sức khỏe, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới. Việc vượt tuyến khám, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến Trung ương gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Trước thực trạng đó, việc phát triển mô hình khám chữa bệnh từ xa đã được Bộ Y tế xây dựng nhằm đưa các kỹ thuật cao từ tuyến trên xuống tuyến dưới một cách dễ dàng, người dân được khám và điều trị chất lượng cao ngay tại chỗ.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã chỉ đạo về việc giãn cách xã hội, hạn chế người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường công tác khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến dưới, không chuyển người bệnh lên tuyến trên trường hợp bệnh tuyến dưới điều trị được. Các hoạt động này cần có hoạt động khám, chữa bệnh từ xa trợ giúp.

Để thực hiện, Bộ Y tế đã áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin triển khai hoạt động tư vấn điều trị từ xa và đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và các bệnh viện xích lại gần nhau hơn, gần như không có khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới, nhờ đó Việt Nam đã điều trị tốt các ca bệnh ngay từ tuyến dưới, đến nay chưa có bệnh nhân tử vong.

Từ những kết quả đó, ngành Y tế đã xây dựng và ban hành Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” trong bối cảnh cả nước Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số năm 2030, hướng tới tầm nhìn trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng. Đề án được xây dựng với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Thông điệp này có ý nghĩa giúp tăng cường năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới, được nâng tầm vươn lên chất lượng cao hơn; đồng thời, các kiến thức chuyên môn của tuyến trên được lan tỏa xa hơn.

Cụ thể, Đề án hướng tới xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến trên gồm một số bệnh viện tuyến cuối và bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới thực hiện khám, chữa bệnh từ xa; xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến dưới (bệnh viện tuyến dưới) gồm một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, bệnh viện tư nhân thực hiện việc khám, chữa bệnh từ xa.

Hiện có 24 bệnh viện tuyến trên sẽ tham gia hỗ trợ tuyến dưới như: Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Nhi Trung ương; Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương…

Vân Sơn/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/dich-covid19-tai-viet-nam-24-benh-vien-tuyen-tren-ho-tro-tuyen-duoi-20200623205355299.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu