Thứ Sáu, 24/01/2025 13:33 (GMT +7)

Hệ lụy dai dẳng từ sai phạm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Thứ 5, 28/09/2017 | 10:22:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo là sai phạm nghiêm trọng nhất trong 2 nhiệm kỳ ông Phạm Thế Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Ngày 18/9 vừa qua, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã công bố những sai phạm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai và cá nhân ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016.

Có thể nói dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su là sai phạm nghiêm trọng nhất, hệ lụy dai dẳng nhất trong hai nhiệm kỳ ông Phạm Thế Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh.

Tùy tiện, ồ ạt chặt hạ rừng

Dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia được triển khai từ năm 2008 – 2012. Trong khoảng thời gian này, tỉnh Gia Lai đã tiến hành 2 đợt, giao hơn 35.000ha đất rừng cho 16 doanh nghiệp để trồng cao su.

he luy dai dang tu sai pham cua nguyen chu tich ubnd tinh gia lai hinh 1
Diện tích chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai.

Quá trình triển khai dự án này, tỉnh Gia Lai đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng. Một số sai phạm đã được Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong năm 2010 – 2011, vi phạm khoản 1, điều 31, Luật Đất đai; UBND tỉnh ra hai thông báo số 119 năm 2007 và số 136 năm 2009 về diện tích, địa điểm cho các doanh nghiệp triển khai kế hoạch trồng cao su đến năm 2012 không căn cứ vào quy hoạch.

Đồng thời, UBND tỉnh Gia Lai đặt ra cơ chế thu hồi đất để tạm giao cho các nhà đầu tư, sau khi nhà đầu tư tận thu lâm sản và trồng cao su mới ra quyết định cho thuê đất chính thức là trái với quy định tại Điều 15, Luật Đất đai 2003, dẫn đến diện tích đất cho thuê chính thức thấp hơn diện tích thu hồi. Phần chênh lệch không có người quản lý. Hệ lụy là rừng bị phá.

Đáng chú ý, tỉnh Gia Lai đã xé lẻ dự án để “trốn” việc trình Quốc hội phê duyệt. Theo Nghị quyết của Quốc hội thời điểm đó, các dự án trên 1.000ha đều phải qua Quốc hội, nhưng tỉnh Gia Lai đã “lách” bằng cách chia các thành phần có diện tích nhỏ hơn 1.000ha. Bằng cách này, các dự án được triển khai một cách ồ ạt và thiếu sự giám sát ở cấp cao, dẫn đến sai phạm nối tiếp sai phạm.

“Bay hơi” hàng chục nghìn m3 gỗ

Ngoài những sai phạm do buông lỏng quản lý, thì việc tận thu lâm sản khi chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cũng khiến dư luận nhân dân trong tỉnh hết sức bất bình.

Ước tính, số lượng gỗ tận thu trong việc chuyển đổi 50.000ha rừng ở Gia Lai là trên 1,5 triệu m3. Con số này bằng cả 100 năm chỉ tiêu khai thác rừng của tỉnh trong giai đoạn đó. Chỉ trong 4 năm mà khai thác, tận thu gỗ bằng cả trăm năm, một con số khó có thể hình dung và tất yếu, đã có những sai phạm.

Tỉnh đã chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ từ năm 2010-2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn ngân sách nhà nước; Chỉ tính riêng năm 2008, số lượng gỗ tận thu thiếu hụt hơn 31.000m3 (thành tiền là gần 39 tỷ đồng) so với biên bản xác định khối lượng gỗ tận thu và giấy phép khai thác; việc bán gỗ tận thu cho chậm nộp không đúng khoảng 8,2tỷ đồng tiền gỗ đấu giá dẫn đến nợ đọng khó có khả năng thanh toán.

he luy dai dang tu sai pham cua nguyen chu tich ubnd tinh gia lai hinh 2
Rừng mất, cao su chết, không hiệu quả kinh tế, không giải quyết được việc làm.

Thời điểm triển khai dự án, nhiều người vào khu vực khai hoang rất xót xa trước cảnh gỗ bị ủi ra bờ lô đốt, gỗ bị vùi lấp, hay doanh nghiệp đưa máy xẻ vào xẻ gỗ giữa rừng mà không ai quản lý.

Nếu làm rõ sai phạm trong lĩnh vực quản lý lâm sản, tận thu gỗ, thiệt hại có thể đến hàng trăm tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là, cần điều tra, làm rõ có hay không việc lợi dụng chuyển đổi rừng để trục lợi từ việc tận thu gỗ? Ai đã trục lợi và ngân sách đã thất thu bao nhiêu?

Hệ lụy dai dẳng

Có thể nói, dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai là dự án dày đặc sự tùy tiện, đặc quyền và những nghi ngờ về đặc lợi. Đặc lợi, đặc quyền đã rơi vào tay nhiều cá nhân, còn hệ lụy ghê gớm thì để lại cho địa phương. Thực tế hiện nay đã chứng minh, nhiều vùng dự án đã thất bại hoàn toàn khi cao su bị chết, đất bị bỏ hoang hoặc bị sử dụng sai mục đích, trong khi đó, rừng đã mất và không thể phục hồi.

Mục tiêu quan trọng nhất của dự án là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng không đạt được. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số vào làm trong các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su đạt rất thấp. Các doanh nghiệp sau khi thuê đất trồng cao su chưa thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Quá trình triển khai các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại đại phương xảy ra nhiều tranh chấp đất đai giữa cộng đồng địa phương với doanh nghiệp.

Dư luận ở địa phương cho rằng, dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo là sai phạm nghiêm trọng nhất trong hai nhiệm kỳ ông Phạm Thế Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Nhiều người dân địa phương đều có chung một mong muốn là các cơ quan Trung ương, nhất là Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an cần vào cuộc, chỉ đạo điều tra, làm rõ những sai phạm của cá nhân ông Phạm Thế Dũng cũng như UBND tỉnh Gia Lai trong việc triển khai dự án này. Bởi, những thiệt hại, hệ lụy về kinh tế, xã hội và môi trường trong dự án này là quá lớn và sẽ còn kéo dài, thậm chí đến hàng trăm năm sau không khắc phục hết được hậu quả./.

PV/VOV-Tây Nguyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu