Thứ Sáu, 09/05/2025 21:58 (GMT +7)

Kết thúc hoạt động Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện

Thứ 6, 09/05/2025 | 14:08:51 [GMT +7] A  A
Chiều 08/5, thảo luận tại Tổ 8 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng), các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với phạm vi sửa đổi, bổ sung quyền hạn của Tòa án nhân dân liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân theo mô hình tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp: Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án khu vực, kết thúc hoạt động của Tòa cấp cao và Tòa án cấp huyện.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân cũng tập trung sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan để tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Viện Kiểm sát nhân dân từ mô hình 4 cấp (cấp tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực) theo yêu cầu của Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp.

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, phát biểu tại phiên họp

Đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra 2 cấp ở Trung ương và địa phương; bỏ quy định về Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Tham gia đóng góp đối với dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đề nghị có định lượng, định khung về tiêu chuẩn chung của thanh tra viên, trong đó có tiêu chuẩn “kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật".

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An, đóng góp Luât Thanh tra tỉnh (sửa đổi)

Về nhiệm vụ của thanh tra tỉnh tại Điều 16, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng dự thảo luật cần phân quyền chủ động và chịu trách nhiệm về thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra hàng năm, bỏ khâu trước khi ban hành phải gửi xin ý kiến Thanh tra Chính phủ, tránh mất thời gian, không cần thiết công tác rà soát cho ý kiến của Thanh tra Chính phủ trong điều kiện chuyển hết chức năng thanh tra của các Bộ, ngành về Thanh tra Chính phủ, tạo sự độc lập về thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thanh tra của địa phương mình.

Đồng thời, rà soát, đối chiếu với Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cũng được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này để bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của các chức danh thuộc Thanh Tra tỉnh, thẩm quyền của Đoàn Thanh tra,… để không bị gián đoạn hoặc quá tải trong thực hiện xử lý vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh khi đã chuyển thanh tra chuyên ngành ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sang Thanh Tra tỉnh xử lý vi phạm hành chính và rà soát các quyền hạn, cơ chế phối hợp, thuật ngữ cho phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và đối ngoại của Quốc hội và đại biểu Hoàng Văn Liên - Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu ban hành các tiêu chí để thành lập Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan Tư pháp và điều tra thuộc Bộ Công an./.

Kiến Quốc

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu