Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, tỉnh Long An và Tây Ninh đã hiện thực hóa chiến lược liên kết phát triển ngành Công Thương thông qua các chương trình hợp tác cụ thể, thực chất và có chiều sâu. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng đòi hỏi sự hội nhập, chuyển đổi số và kết nối chuỗi giá trị, mối quan hệ hợp tác này không chỉ mang ý nghĩa địa phương mà còn đóng vai trò quan trọng trong kiến tạo một hệ sinh thái sản xuất - thương mại mang tính liên vùng.
Liên kết để cùng phát triển
Thời gian qua, hoạt động liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa tỉnh Long An và Tây Ninh thực hiện được nhiều nội dung công việc theo bản kế hoạch ký kết. Trong đó, hai tỉnh đã tổ chức các hoạt động kết nối để làm “cầu nối” giúp doanh nghiệp (DN) tìm hiểu nhu cầu, tiến tới ký kết hợp đồng, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường; đặc biệt giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng hai tỉnh. Ngoài ra, hai tỉnh cũng thường xuyên trao đổi công tác quản lý nhà nước giúp nâng cao hoạt động quản lý của ngành Công Thương hai tỉnh.
Để phát triển giao thương, kết nối ngành Công Thương hai tỉnh ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu, lãnh đạo hai đơn vị đều cho rằng cần tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã hai địa phương hợp tác tiêu thụ sản phẩm của nhau, nhất là hàng hóa nông sản đặc trưng, thế mạnh của mỗi tỉnh như triển khai các hợp đồng ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết; tạo thuận lợi cho hàng hóa của hai bên tiếp cận người tiêu dùng qua các kênh phân phối trực tiếp giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại Hội nghị hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa ba tỉnh: Long An, Tây Ninh và Tiền Giang tổ chức vào cuối tháng 12/2024, chương trình ký kết phối hợp giữa Long An và Tây Ninh đã thu hút sự chú ý bởi quy mô và tính chất thực chất, hướng đến giải quyết các điểm nghẽn trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, logistics và xúc tiến thương mại.
Cụ thể, hai tỉnh cam kết đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm, xử lý gian lận thương mại và xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại điện tử liên vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu và mở rộng thị trường thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, phiên kết nối giao thương, giúp nhiều sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương như thanh long, chanh không hạt, gạo hữu cơ (Long An), cao su, tinh bột sắn và đường mía (Tây Ninh) tìm được đầu ra ổn định tại các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, Winmart,...
Ngoài ra, hai địa phương còn phối hợp xây dựng danh mục mời gọi đầu tư chung vào các khu, cụm công nghiệp giáp ranh; đồng thời, quy hoạch phát triển hạ tầng công thương trọng điểm như trung tâm logistics, chợ đầu mối và hệ thống kho vận phục vụ xuất, nhập khẩu.
Theo Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng, hoạt động liên kết hợp tác trong thời gian qua giúp nhiều DN sản xuất, tiêu thụ của hai tỉnh tìm hiểu nhu cầu, tiến tới ký kết hợp đồng, hợp tác sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường; đặc biệt, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của mỗi địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như cả nước.
“Chúng tôi không đặt hợp tác như một hoạt động hình thức mà xác định đó là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Long An cam kết đồng hành cùng Tây Ninh chia sẻ dữ liệu thị trường, kết nối chuỗi sản xuất cũng như phối hợp kiểm soát chất lượng và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm theo hướng bài bản, hiện đại” - ông Huỳnh Văn Quang Hùng khẳng định.
Vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Long An tổ chức hội thao chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 - 14/5/2025). Sự kiện này cũng có sự tham gia của Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh. Điều này cho thấy sự gắn bó giữa 2 đơn vị, thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi và cùng nhau phát triển.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết: “Hội thao không chỉ là dịp để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần thể thao mà còn là cơ hội để thắt chặt tình cảm, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Long An với Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh và các DN trên địa bàn tỉnh”.
Hướng đến phát triển bền vững
Thời gian tới, ngành Công Thương hai tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực liên kết hợp tác, chú trọng mời gọi đầu tư khai thác các lĩnh vực, các ngành mà mỗi địa phương có lợi thế như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, công nghiệp thay thế hàng nhập khẩu, cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, kinh tế số; vận động, hỗ trợ DN tìm hiểu, mở rộng hợp tác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích DN sử dụng sản phẩm của nhau nhằm xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của DN.
Vận động, hỗ trợ DN tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại hai tỉnh, kết nối cung - cầu hàng hóa; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các khu, cụm công nghiệp nhằm xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mở rộng mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa tại hai tỉnh; tham gia bình ổn thị trường.
Ngoài ra, hai đơn vị còn phối hợp trao đổi thông tin xây dựng chính sách về khuyến công và công nghiệp hỗ trợ, trong tham mưu quản lý phát triển dịch vụ logistics; đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển thuộc lĩnh vực ngành.
Có thể khẳng định, việc hợp tác phát triển ngành Công Thương giữa tỉnh Long An và Tây Ninh trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của hai địa phương.
Ông Hùng Văn Quang Hùng nhấn mạnh: “Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua nghị quyết sáp nhập các tỉnh, thành phố, trong đó, tỉnh Tây Ninh hợp nhất với tỉnh Long An, lấy tên là Tây Ninh và trung tâm hành chính đặt tại Long An. Chủ trương sáp nhập tỉnh của Trung ương là một bước đi chiến lược mang tầm nhìn dài hạn. Tôi tin rằng, với truyền thống năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của Long An và Tây Ninh, ngành Công Thương của tỉnh sau sáp nhập sẽ bứt phá mạnh mẽ, góp phần đưa địa phương trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của khu vực phía Nam”./.
Ý kiến ()