Tiến sỹ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Dược, hơn 100 văn bản qui phạm phát luật về dược được ban hành đã đáp ứng kịp thời công tác quản lý, điều hành về dược.
Từ chỗ chỉ có khoảng 50 cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo ASEAN (GMP ASEAN), đến nay Việt Nam có 142 cơ sở (với 154 nhà máy) đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO-GMP). Trong đó có một số cơ sở đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo Liên minh châu Âu (EU-GMP) và theo Hệ thống hợp tác thanh tra dược phẩm (GMP-PIC/s).
Thuốc sản xuất tại Việt Nam ngày càng đa dạng về dạng bào chế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu điều trị của người dân. Năm 2005, thuốc sản xuất trong nước có hơn 300 hoạt chất. Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước chứa khoảng 500 hoạt chất với đầy đủ 17 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có cả các thuốc điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép… đáp ứng được 234/314 hoạt chất trong Danh mục thuốc thiết yếu của Việt Nam. Sản xuất thuốc trong nước đạt tỷ lệ tăng trưởng bình quân trên 15% trong khi tăng trưởng GDP của cả nước đạt khoảng 6%.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực có nền công nghiệp vắcxin. Vắcxin do Việt Nam sản xuất đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để phòng 12 bệnh. Nhiều nhóm thuốc và vắcxin của Việt Nam được các nước trong khu vực và thế giới đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin của Việt Nam là một trong 37 quốc gia được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận tiêu chuẩn khắt khe về quản lý vắcxin.
Qua 10 năm thực hiện Luật Dược, thực tế đã chứng minh việc quản lý giá thuốc của cơ quan liên ngành có hiệu quả; thuốc được cung ứng đầy đủ, chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn với chỉ số giá của nhóm hàng dược phẩm thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng chung, đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu.
Ngành dược đã không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng tới công tác phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Các số liệu khảo sát cho thấy, giá thuốc ở Việt Nam ở mức phù hợp so với thế giới và thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Dược 2005 cũng xuất hiện khó khăn, tồn tại do thực tế nảy sinh, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược năm 2005. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Dược sửa đổi, Ban soạn thảo đã nghiên cứu và tham khảo hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nhóm nước phát triển có hệ thống quản lý dược tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia…
Ý kiến ()