Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 22:56 (GMT +7)
Nhân lên chất toàn diện trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Thứ 7, 11/07/2020 | 10:09:00 [GMT +7] A A
Nhân kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ (nhiệm kỳ 2014-2018) Phạm Quang Vinh chia sẻ kỷ niệm về những nhân vật, sự kiện mà ông đã từng gặp gỡ, trao đổi trong suốt nhiệm kỳ công tác tại đây.
Xét trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, những nhân vật, sự kiện đó là “trụ cột kết nối” trong quan hệ song phương hai nước, chuyển từ “thù địch” sang ngoại giao, từ ngoại giao sang đối tác toàn diện; cùng hướng đến mục tiêu chung hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và thế giới.
Từ chuyến thăm cấp cao…
Nhận nhiệm vụ công tác tại Hoa Kỳ từ năm 2014 đến năm 2018, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, đây là thời điểm quan hệ hai nước có những phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực trong khuôn khổ Đối tác toàn diện, đặc biệt quan hệ chính trị-ngoại giao đã đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất và hiệu quả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Barack Obama, ngày 7/7/2015, tại Nhà Trắng ở Thủ đô Washington D.C trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 6 – 10/7/2015. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Hoa Kỳ của người lãnh đạo cao nhất Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, đánh một dấu mốc quan trọng mới, mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Mối quan hệ hai nước có nhiều dấu ấn thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, trong đó điểm nhấn với chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ vào tháng 7/2015; hội đàm tại Nhà Trắng cùng cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương; 40 năm chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Đây là một trong những sự kiện quan trọng và đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi tại Hoa Kỳ”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh giải thích, theo nguyên tắc lễ tân ngoại giao của Hoa Kỳ, người đứng đầu của Đảng không nằm trong hệ thống quyền lực nhà nước. Do đó, việc lựa chọn nghi thức tiếp đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hai bên trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng. Sau đó, với sự ủng hộ từ phía Quốc hội và Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, Hoa Kỳ đã vượt qua các thủ tục, rào cản kỹ thuật và lễ tân; đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là khách chính thức của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Sau khi thống nhất nghi thức tiếp đón, dự kiến cuộc hội đàm và gặp gỡ với báo chí của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cựu Tổng thống Barack Obama diễn ra trong vòng 60 phút. “Nhưng trên thực tế, lịch trình kéo dài đến 90 phút, khiến ai cũng bất ngờ. Đây là một ngoại lệ rất tốt”, Đại sứ cho biết.
Đại sứ Phạm Quang Vinh kể lại: Tại phòng họp Bầu Dục, hai nhà lãnh đạo cho rằng, cách đó chỉ hai thập kỷ, khó ai có thể nghĩ tới một chuyến thăm, hội đàm, họp báo của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cùng Tổng thống Hoa Kỳ tại Nhà Trắng; cùng nhau đưa ra tầm nhìn chung cho quan hệ hai nước với những kỳ vọng lớn. Qua đó, hai bên tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh hơn nữa các nguyên tắc của quan hệ, đặc biệt nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau; đồng thời góp phần tăng thêm sự hiểu biết, lòng tin và hợp tác tin cậy giữa hai nước trong thời gian tới.
Sau đó, vào tháng 5/2016, cựu Tổng thống Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam. Chuyến thăm góp phần khẳng định sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương hai nước cũng như khuôn khổ hợp tác khu vực ASEAN, khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tại đây, cựu Tổng thống Barack Obama công bố việc dỡ bỏ việc cấm bán vũ khí sát thương – một trong những rào cản cuối cùng còn lại từ thời còn bao vây cấm vận đối với Việt Nam.
Bên cạnh những chuyến thăm cấp cao, việc duy trì đà quan hệ và kết nối với chính quyền mới sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thắng cử vào tháng 11/2016 là một trong những bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. “Thời điểm đó, rất nhiều nước, bao gồm cả các nước Đông Nam Á còn ‘giữ thái độ’ do chưa biết nhiều về Tổng thống sắp tới của Hoa Kỳ. Trong khi đó, ông Donald Trump luôn đưa ra cảnh báo về cài đặt lại quan hệ với các nước, trên cơ sở lấy lại lợi ích nước Mỹ, nước Mỹ trên hết”, Đại sứ Phạm Quang Vinh kể lại.
Trên tinh thần chủ động thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam, xác định Hoa Kỳ là đối tác quan trọng, khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã chủ động liên hệ và thu xếp cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 14/12/2016 – chỉ hơn một tháng sau bầu cử và trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017.
Đại sứ chia sẻ, cuộc điện đàm chính là cơ sở thúc đẩy chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 5/2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, hai bên cũng đã thông qua tuyên bố chung; ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có hợp đồng trị giá gần 15 tỷ USD.
“Đặc biệt, đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một nhà lãnh đạo khu vực Đông Nam Á trong thời kỳ Tổng thống Donald Trump. Chuyến thăm đã làm sâu sắc thêm quan hệ và sự hiểu biết giữa hai bên; đồng thời quyết định định hướng, cơ chế nâng tầm quan hệ, bao gồm cả xử lý các vấn đề đặt ra khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump có nhưng ưu tiên mới, khác trước, nhất là trong việc xử lý vấn đề kinh tế, thâm hụt thương mại”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định.
Tiếp đó, Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017. Trên góc độ song phương và đa phương, Đại sứ nhận định, chuyến thăm đã diễn ra thành công. Tổng thống Donald Trump đã gặp và hội đàm với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; có ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Đáng chú ý, Tổng thống Donald Trump là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam cấp nhà nước ngay trong những tháng đầu tiên nhiệm kỳ; đây cũng là trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Á.
Trên đà qua hệ giữa hai nước được duy trì và ngày càng tăng cường, Việt Nam được lựa chọn tổ chức cuộc gặp cấp cao Hoa Kỳ-Triều Tiên vào tháng 2/2019. Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều thăm, tiếp xúc cấp cao; có các hoạt động nhằm thúc đẩy hơn nữa các quan hệ song phương với Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều thay đổi, Hoa Kỳ cũng có nhiều điều chỉnh nhiều cả về “bên trong” lẫn “bên ngoài”, tuy nhiên vị thế của Việt Nam và đà quan hệ giữa hai nước luôn được tăng cường cả về kinh tế, thương mại, lẫn vấn đề địa-chiến lược, địa-kinh tế. Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, hiện vẫn còn nhiều dư địa để hai bên hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế nhằm khai thác thế mạnh ở thị trường mỗi bên, mở rộng thị trường và chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng…
“Dù trong bối cảnh thế giới và khu vực đang điều chỉnh chuỗi cung ứng, mối quan hệ hợp tác hai nước tiếp tục góp phần kết nối khu vực Đông Nam Á cũng như trung tâm kinh tế khác”, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định.
… đến ký ức về “hai ông John”…
Nhắc tới quãng thời gian công tác tại Washington, D.C, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ về kỷ niệm đáng trân trọng và ấn tượng về “hai ông John”: Thượng nghị sỹ John Kerry và Thượng nghị sỹ John McCain.
Đại sứ cho biết, đây là hai người khác nhau về quan điểm chính trị nội bộ, thế giới và đặc biệt cách nhìn về cuộc chiến tranh Việt Nam. Thượng nghị sỹ John Kerry đã từng điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ coi chiến tranh Việt Nam là một sai lầm. Ngược lại, Thượng nghị sỹ John McCain không đánh giá chiến tranh là đúng đắn hay sai lầm nhưng với tư cách là quân nhân, ông thấy mình đã phụng sự trong cuộc chiến đó.
“Tuy nhiên, cả hai người khác biệt đó lại ‘trùng nhau’ trong câu chuyện quan hệ với Việt Nam, là ‘trụ cột’ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hai nước qua các giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Theo Đại sứ, từng là Thượng nghị sĩ của hai đảng (Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa), từng đứng ra tranh cử vị trí Tổng thống Hoa Kỳ, “hai ông John” đều có tầm nhìn chiến lược sâu sắc về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai ông đều coi trọng Việt Nam xét trong mối quan hệ hợp tác song phương, nhằm xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương: hòa bình, ổn định, phát triển và dựa trên luật lệ, bao hàm cả vấn đề biển Đông. Hai Thượng nghị sỹ đều nhìn nhận vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực.
Đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain có vai trò lớn trong hợp tác an ninh-quốc phòng với khu vực Đông Nam Á; là chủ xướng Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI) với Đông Nam Á. Qua đó, Quốc hội Hoa Kỳ dành ra một phần ngân sách giúp các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực an ninh hàng hải, chấp pháp trên biển của các nước, trong đó có Việt Nam. Thượng nghị sĩ luôn tự hào về sự kiện con tàu mang tên “dòng họ” ông- tàu USS John S.McCain đã thăm Việt Nam.
Ông cũng đóng góp vào việc chuyển giao tàu Hamilton cho Việt Nam; giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có các dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa. Đặc biệt, ông McCain đã “đấu tranh tích cực” để cá basa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ và cho rằng, điều đó tốt cho cả người tiêu dùng Hoa Kỳ và người nông dân Việt Nam.
Chia sẻ về Thượng nghị sỹ John Kerry, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, ông John Kerry luôn nhắc lại kỷ niệm với Việt Nam trong từng giai đoạn khác nhau nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước. Khi là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông John Kerry đã thực hiện mong muốn “thăm những nơi xưa”, đến các tỉnh miền tây Đồng bằng sông Cửu Long. Hành động đi dọc miền sông nước bằng ghe, xuồng máy… của ông John Kerry góp phần thể hiện thông điệp và sứ mệnh mới: Giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thượng nghị sĩ John Kerry quan tâm đến thúc đẩy quan hệ hai nước trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, công nghệ, giáo dục và du lịch. Đến nay, sau khi nghỉ hưu, Thượng nghị sĩ John Kerry tiếp tục duy trì các chuyến thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đánh giá vai trò thúc đẩy mối quan hệ hai nước của “hai ông John”, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ: “Về hai ông, xin được tóm lại bằng hai sự kiện lịch sử ý nghĩa: Hình ảnh ông John Kerry và John McCain đứng hai bên khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton công bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995. Và hình ảnh “hai ông John” sau 20 năm (2015)-hai nhân vật chủ chốt thúc đẩy chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ”.
… Thông điệp hòa bình từ nhân dân
Bên cạnh nỗ lực của chính phủ hai đất nước, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, tham gia vào quá trình thúc đẩy mối quan hệ hai nước ở từng giai đoạn khác nhau còn có những người dân Hoa Kỳ yêu quý Việt Nam, sẵn sàng bỏ công việc để tham gia biểu tình phản đối chiến tranh, đòi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam; đấu tranh đòi bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ…
“Dù đã từng trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng những người từng thù địch, chĩa súng vào nhau lại là những người đầu tiên hàn gắn, nối lại quan hệ sau cuộc chiến”, Đại sứ chia sẻ.
Theo đó, ngay từ những năm 1980, nhiều cựu binh Hoa Kỳ đã trở lại chiến trường cũ tại Việt Nam với mong muốn thăm gặp lại “những người phía bên kia”. “Có người mang theo thông điệp hàn gắn và hòa giải; có người mang những ưu tư, có lỗi đã gây ra cuộc chiến; có nhiều người mong muốn ‘làm điều gì đó’ cho nơi đã phải trải qua những đau thương, tàn phá của bom đạn chiến tranh…”, Đại sứ cho biết.
Không chỉ các hội cựu binh, các tổ chức xã hội, nhân đạo của Hoa Kỳ cũng tham gia những chuyến thăm đặc biệt này. Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc đến tấm gương cảm động của bà Jerilyn Brusseau-chị gái của một lính Mỹ tử trận khi tham chiến ở Quảng Trị, Việt Nam năm 1969. Bà Jerilyn Brusseau và gia đình không chỉ cảm nhận mất mát của gia đình mình mà còn nghĩ đến nỗi đau đớn của các bà mẹ, gia đình của Việt Nam. Ngay khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, bà đã lập tổ chức nhân đạo Peace Trees (Cây Hòa bình) quyên góp quỹ giúp Việt Nam làm sạch bom mìn còn sót lại; tẩy độc trong đất và giúp người dân trồng trọt; làm thành sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ…
Không chỉ câu chuyện mang thông điệp hòa bình của bà Jerilyn Brusseau, nhiều tổ chức cựu binh, tổ chức xã hội Hoa Kỳ cũng đã đến Việt Nam xây dựng trường học nhằm phát triển giáo dục-xã hội tại các vùng đất đã từng là chiến trường khốc liệt.
Đại sứ cho biết, trải qua 25 thiết lập quan hệ ngoại giao, việc chuyển từ mối quan hệ cựu thù sang đối tác toàn diện của hai quốc gia không đến từ tự nhiên mà xuất phát từ sự nỗ lực của những người trong cuộc; là sự cộng hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm quyết sách chính trị của hai nước; nhân dân hai nước, từ những cựu binh hay cộng đồng doanh nghiệp…
Với thông điệp gác lại quá khứ, hàn gắn vết thương và hướng đến tương lai, chính phủ, nhân dân hai nước phải vượt qua quá khứ chiến tranh đau thương, thù địch, nghi kỵ, thiếu lòng tin; vượt qua thử thách và sự khác nhau về thể chế chính trị để hợp tác, thiết lập quan hệ đối tác phát triển ngày càng vững chắc.
Năm 2020 kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ (1995-2020) Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây cũng là thời điểm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận định, hai nước đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trên nhiều mặt, đặc biệt trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Hiện nay, Việt Nam không chỉ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước mà còn hợp tác, giúp đỡ các nước khác, trong đó có Hoa Kỳ.
Do đó, có thể tin chắc rằng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ còn phát triển hơn nữa; ngày càng sâu sắc thêm – Đại sứ khẳng định.
Đặc biệt, thông qua việc Quốc hội Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), Đại sứ Phạm Quang Vinh tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, hợp tác trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
“Đây không chỉ là quyết sách quan trọng mà còn là thông điệp về một Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập, bao gồm cả việc chuẩn bị đón các cơ hội dịch chuyển về thị trường, vốn và các chuỗi cung ứng cho phát triển ổn định, bền vững, chất lượng cao, phục vụ tốt hơn lợi ích quốc gia trong thời gian tới”.
https://baotintuc.vn/thoi-su/nhan-len-chat-toan-dien-trong-moi-quan-he-viet-namhoa-ky-20200711081403500.htm
Ý kiến ()