Thứ Năm, 23/01/2025 05:00 (GMT +7)

Sức mạnh của báo chí khi ‘nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật’

Thứ 5, 18/06/2020 | 19:33:00 [GMT +7] A  A

Trở thành dòng chủ lưu từ quyết định của Đảng năm 1986 khi tiến hành đổi mới đất nước, đưa đến những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tư tưởng “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được báo chí phát huy như một vũ khí đắc lực.

Ấn phẩm Tuần Tin tức.

Phương châm đó góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực và ủng hộ những nhân tố mới, việc làm mới mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho Đảng và nhân dân.

Hơn ba mươi năm sau, “nhìn thẳng vào sự thật” lại tiếp tục được báo chí phát huy mạnh mẽ, đáp ứng trước những đòi hỏi cấp bách về xây dựng Đảng trong sạch, hệ thống chính quyền vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Tiếng nói của công luận

Năm 1986, Đại hội VI của Đảng xác định phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Đảng đã đánh giá, phân tích sâu sắc những thành tựu và chỉ ra, chỉ trúng những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm để từ đó có những đột phá trong đổi mới tư duy, đặc biệt là đổi mới tư duy về kinh tế. Đại hội VI của Đảng, vì vậy, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện, đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội. Việt Nam bước vào phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt, đất nước ngày càng tiến lên.

“Nhìn thẳng vào sự thật” cũng trở thành luồng chủ lưu trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngày đó. Đấy là những bài viết kịp thời, sắc sảo trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh góp phần chỉ đạo công cuộc đổi mới, đấu tranh phòng, chống tham ô, tiêu cực và ủng hộ những nhân tố mới, việc làm mới mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước và nhân dân. Đấy là những bài phản ánh, bình luận, xã luận cổ vũ, động viên các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt như: “Khoán 10”,“Xóa đói giảm nghèo”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”…

Thái độ “nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật” của báo chí thể hiện rất rõ trong quan niệm thông tin, tuyên truyền mang tính xây dựng “biểu dương cái tốt đi đôi với phê phán cái xấu”. Bên cạnh phát hiện, phản ánh nhân tố mới, đăng tải kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng, Nhà nước, báo chí tích cực phát hiện các vụ tiêu cực, tham nhũng. Những loạt phóng sự, điều tra, bài viết phê phán tiêu cực, tham nhũng trên tinh thần xây dựng được đăng tải trên nhiều tờ báo. Phạm vi mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Đối tượng phê phán là những người có việc làm sai trái, từ người dân đến cán bộ, viên chức và cán bộ cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước như Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy. Điển hình là các vụ của Chủ tịch trọng tài nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa… đăng trên báo Quân đội nhân dân, các ấn phẩm của Thông tấn xã Việt Nam.

Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, đó cũng là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực dư luận xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu ra. Từ đó mạnh mẽ đáp ứng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, làm lành mạnh hóa xã hội như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Nhìn nhận về vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam, tại Đại hội lần thứ 10 Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo”.

Thử thách thời hội nhập

Những năm gần đây, đất nước tiếp tục đổi mới, hội nhập. Đan xen thuận lợi, cơ hội, thời cơ là những khó khăn, thách thức và nguy cơ. Trong đó đáng lo nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên từ cấp cơ sở đến trung ương, thậm chí là cấp chiến lược làm suy giảm giá trị của những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, suy yếu niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ và sự lãnh đạo của Đảng.

Trước tình trạng này, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã quyết tâm rất cao, có rất nhiều cố gắng đấu tranh khắc phục trong thời gian qua. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu”…

Nhạy bén trước chủ trương của Đảng, tư tưởng, thái độ “nhìn thẳng vào sự thật” tiếp tục là vũ khí của báo chí và mang lại hiệu quả rõ rệt, được dư luận đồng tình, ghi nhận. Nhiều vụ việc về tham nhũng tưởng như bị chìm vào quên lãng, nhưng sau khi báo chí vào cuộc, phản ánh đã được đưa ra ánh sáng và xử lý đúng người, đúng tội. Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui từ việc báo chí phát hiện đối tượng đi xe ô tô cá nhân gắn biển số xanh trái quy định. Nối sau đó, hàng loạt sai phạm của đối tượng trong quá khứ đã được báo chí đưa ra trước ánh sáng công luận, giúp cho các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, đối tượng theo đúng quy định pháp luật.

Báo chí còn có công phát hiện, điều tra, phanh phui nhiều dự án đầu tư cả nghìn tỷ đồng chưa đưa vào hoạt động đã thất thoát, gây lãng phí rất lớn tài sản công như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Nhà máy đạm Ninh Bình; 3 dự án nhà máy sản xuất ethanol Tam Nông, Bình Phước, Dung Quất; Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng)…

Báo chí cũng đi đầu trong việc lên tiếng nhiều vụ “bổ nhiệm thần tốc” gây bức xúc dư luận ở một số ngành, địa phương. Nhiều “ung nhọt” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong một số cơ quan công quyền cũng được các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời nhờ những thông tin được phát hiện, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những tấm gương, những nhân tố mang lại lợi ích thiết thực cho đất nước, cho Đảng và nhân dân cũng được báo chí kịp thời động viên, cổ vũ. Với cái “nhìn thẳng”, trên các trang nhật báo, bản tin thời sự truyền hình cũng thường xuyên loan tải những phân tích, lý giải các sự kiện nóng hổi, những vấn đề sát sườn đặt ra từ đời sống trên cơ sở đường lối, quan điểm của Đảng, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân đã đem lại hiệu ứng cao đối với xã hội, được đông đảo các tầng lớp đồng tình.

Nhưng thẳng thắn nhìn nhận, tư tưởng “nhìn thẳng, đánh giá đúng, nói rõ sự thật” không phải là kim chỉ nam của tất cả các toà soạn báo. Trong guồng quay thị trường, một số cơ quan báo chí đã thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, sự thật; thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tình trạng báo chí sa đà vào phản ánh mặt trái xã hội, cố tình khai thác những thông tin giật gân, câu khách, thậm chí “đánh hội đồng” cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… đã làm giảm lòng tin của công chúng và của chính quyền các cấp vào báo chí. Một bộ phận người làm báo tha hóa về đạo đức và có khuynh hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vô tình hoặc hữu ý tiếp tay cho các thế lực thù địch chống chế độ, dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật.

Trước những tác động bất lợi của bối cảnh tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ: “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc…”

Củng cố niềm tin vào Đảng

Trăn trở trước những hạn chế của báo chí trong bối cảnh hội nhập song cũng khách quan nhìn nhận, báo chí Việt Nam đang tiếp tục có những đóng góp to lớn, thúc đẩy, lan tỏa những thành tựu phát triển nền kinh tế của đất nước, mạnh mẽ đáp ứng những những đòi hỏi cấp bách về xây dựng Đảng trong sạch, hệ thống chính quyền vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Hơn ba mươi năm sau ngày đất nước đổi mới, báo chí vẫn là “người” đi tiên phong, chủ động, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, đối ngoại; góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh kiên quyết chống các tư tưởng thù địch, phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động.

Điển hình như đại dịch COVID-19, báo chí truyền thông đã chung sức, đồng lòng cùng cả nước vào cuộc mạnh mẽ quyết liệt để phòng, chống dịch. Với tinh thần công khai, minh bạch, tất cả các thông tin chỉ đạo điều hành, khuyến cáo phòng, chống, diễn biến tình hình dịch bệnh … đều được báo chí nhanh chóng truyền tải đến công chúng để nâng cao nhận thức người dân trong phòng, chống COVID-19.

Đánh giá cao vai trò của báo chí trên trận tuyến thông tin phòng, chống dịch, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông nêu rõ, qua dịch COVID-19 đã thể hiện niềm tin của xã hội và báo chí tăng lên nhiều. Mỗi ngày, có tới 20-30 triệu lượt người đọc báo chí với hàng ngàn tin, bài về dịch bệnh. Báo chí giữ vai trò chủ đạo trong thông tin về dịch COVID-19 và điều tiết mạng xã hội dù số người đọc mạng xã hội nhiều hơn báo chí.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/thoi-su/suc-manh-cua-bao-chi-khi-nhin-thang-danh-gia-dung-noi-ro-su-that-20200618102108812.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu