Tất cả chuyên mục

Tác hại khôn lường
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu. Rượu, bia và các loại đồ uống có cồn nói chung gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Ngoài các tác hại dễ nhận thấy sau khi uống rượu, bia như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu, bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nhất là điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn, gây thương tích và cướp đi sinh mạng rất nhiều người.
Lạm dụng rượu, bia được ghi nhận là gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, về lâu dài có thể gây ra những tổn hại rất khó hồi phục và cũng rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Phó Trưởng khoa Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - bác sĩ Trần Huỳnh Đức cho biết: “Rượu, bia khi uống vào cơ thể được hấp thu nhanh trực tiếp vào máu với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ được hấp thu hết. Sau đó, rượu, bia được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Chính vì lý do này mà chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến của gan bị suy giảm, dẫn đến gan bị nhiễm mỡ, xơ gan hoặc có thể gây ung thư gan”.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rượu, bia là yếu tố lớn trong tái phát các bệnh lý tâm thần. Sử dụng rượu, bia nhiều sẽ gây ra một số bệnh lý rối loạn tâm thần, hoang tưởng, ảo giác, tăng lo âu, sầu uất, trầm cảm, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng kích động tấn công. Rượu, bia làm cho cơ tim bị thoái hóa, bộ máy tim mạch bị tổn thương, biểu hiện như đau đầu, khó thở, mắt cá sưng to,... Rượu, bia còn làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch. Chính vì thế, người say rượu rất dễ bị cảm, trúng gió,...
Ngoài ra, rượu, bia còn làm thay đổi sự hóa ứng động bạch cầu, do đó người nghiện rượu dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao phổi, nếu không phát hiện sớm có thể gây tử vong. Đây còn là nguyên nhân làm suy yếu sự trao đổi chất, gia tăng axit uric - nguyên nhân của bệnh gout. Người uống rượu cũng sẽ thường cảm thấy đau nhức, mỏi xương khớp. Sử dụng rượu, bia lâu dài có thể gây viêm loét dạ dày.
Nhiều hệ lụy
Việc uống rượu, bia trong một thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng nghiện rượu. Theo bác sĩ Trần Huỳnh Đức, nghiện rượu kinh niên là một trong những nguyên nhân gây ra tổn thương não. Thai phụ uống rượu, bia có thể tác động xấu đến bào thai vì không nhận được oxy và chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thai nhi còn có thể bị tác hại của bia, rượu gây dị dạng ở mặt, các cơ quan khác hoặc chậm phát triển trí tuệ.
Ngoài những tác hại đến sức khỏe con người, rượu, bia còn gây các vấn đề xã hội như suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Khi sử dụng rượu, bia, người uống không còn minh mẫn và không thể làm chủ hành động cũng như suy nghĩ của mình. Trên thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp thương tâm do rượu, bia gây nên. Đó là những vụ người say rượu có những hành vi nguy hiểm cho xã hội như chửi bới, đánh đập, phá hoại tài sản, gây xích mích với người thân và cộng đồng, thậm chí là các vụ ẩu đả dẫn tới thương vong.
Với tác hại của rượu, bia, nếu nhẹ thì lơ mơ, buồn ngủ, rồi giảm tầm nhìn; nặng thì không kiểm soát được hành vi và sự phán đoán có thể bị sai lệch nên không làm chủ được tay lái. Vì vậy, điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia đã gây ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm.
Sử dụng rượu, bia nhiều và thường xuyên gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe và sự phát triển KT-XH. Chính vì thế, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu bức thiết được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện. Trong đó, có ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để góp phần hạn chế gánh nặng gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Điều 24, 25 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 nêu rõ các biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng và chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa giảm tác hại của rượu, bia. Cụ thể: Điều 24. Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng: - Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. - Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng. - Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. - Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn Điều 25. Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia: Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm: a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật. |
Ý kiến ()